Sống từ trang viết

Càng đọc kỹ hơn những trang viết của nhà thơ Vũ Từ Trang, tôi càng nhận rõ thêm ý đó. Cái ý mà không hẳn khi nào nhà thơ cũng chủ trương làm lộ ra từ sáng tác.

Nhà thơ Vũ Từ Trang (ngoài cùng, bên trái) với các họa sĩ trong một sự kiện. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà thơ Vũ Từ Trang (ngoài cùng, bên trái) với các họa sĩ trong một sự kiện. Ảnh nhân vật cung cấp

1. Trong hàng loạt tác phẩm đã xuất bản - khảo cứu, thơ, chân dung văn học, tiểu thuyết, nhà thơ truyền tải nhiều phản ánh, gửi gắm: Những nghề truyền thống nước Việt với nét đặc sắc trường tồn; những số phận, thân phận một thời và những nghĩa tình lâu bền; dòng đời và phận người trong thác lũ thời cuộc từ một làng quê nhưng mang tính đại diện rộng rãi; những ấn tượng sâu lắng về đất, về người và chiêm ngẫm thời gian, tuổi tác, trải nghiệm thế hệ…

Nhiệt thành sáng tạo, bền bỉ làm việc, hình bóng Vũ Từ Trang hiện diện qua những trang viết. Từ một chùm thơ, một bài viết cho đến mỗi tập sách mới, đều gợi đến hình ảnh một con người lịch thiệp, hòa nhã, tôn trọng bạn bè, tôn trọng mọi người, không vồ vập mà quý mến người khác tự nhiên, đã quý thì nuôi giữ tự sâu trong lòng. Nhớ và yêu mến các bạn viết Lê Minh Khuê, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Thanh Kim, Anh Vũ, Hoài Anh, Tô Thi Vân…, người đọc thấy một Vũ Từ Trang quý bạn, thủy chung với bạn và biết trọng bạn ở văn tài lẫn cá tính trong đời sống. Say sưa viết về các nghề thêu, nghề làm trống, nghề làm tranh, làm gốm…, hàng trăm nghề đẹp và tự hào của non nước Việt, ngoài thông tin, tri thức, người đọc thấy một Vũ Từ Trang tinh tế, mê cái đẹp, tôn trọng lao động và những tài hoa, kính trọng và quyến luyến văn hóa truyền thống. Những lát cắt thơ của ông thường thấp thoáng những hình ảnh như ký họa với cảnh giả quê hương, ruộng đồng, đường xa, một lùm cây, một miệng giếng, bức tường đá ong…, giúp người đọc và bạn văn chương thấy một Vũ Từ Trang thường đi, hay nhìn ngắm, muốn khám phá đây đó..., và bởi, dường như là con người có hứng thú, quan tâm đến hình khối, đường nét, thao tác, nên trong trang viết của ông có nhiều chất tạo hình.

Chừng ấy, hình như đã đủ để bỗng dưng làm người ta thấy một người đàn ông sống kỹ, sống tinh, tôn trọng lối sống đẹp, quan tâm đến việc lấy văn hóa trang bị cho đời sống, cho cuộc đời mình. Nhưng cách biểu hiện cho cách sống đó lại giản dị và chân thật, chứ lại không trau chuốt, bóng bẩy. Tất nhiên, cảm nhận điều đó, có thể thêm cả cộng hưởng từ những quan sát đời sống thực của nhà thơ, một đời sống điềm đạm, chân tình và luôn hướng đến lành thiện, lành lặn. Thời buổi cơm áo không dễ thỏa hiệp cùng văn chương, nhà thơ “tỉnh táo” tính “kế lâu dài”, nhiều năm qua duy trì cửa hàng đồ gỗ cao cấp ở phố Bạch Mai (Hà Nội), bảo đảm cuộc sống, bảo đảm thong dong lái xe đưa các bạn văn chương cũng đã luống tuổi những chuyến về chơi thăm quê hương Kinh Bắc ngắm sông núi, thực tế làng quê, thưởng thức văn nghệ dân gian. Trên tầng hai ngôi nhà phố mặt tiền hẹp, lòng sâu hút, “phòng văn” của thi sĩ khép kín, gọn gàng, bảo đảm yên tĩnh, đọc sách và làm việc tập trung. Nhìn ngoại hình, cách ăn mặc, đi lại và giao tiếp của ông, người ta dễ nghĩ đang thấy một nhà giáo chứ không phải một người làm văn, làm báo nhiều năm.

2. Gắng tạo dựng, giữ gìn những điều đó, là nhờ văn hóa sống đã sớm thấm vào con người từ nhỏ ở làng Trang Liệt quê hương, còn gọi là làng Sặt, nay thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, một làng quê Việt cổ đậm đặc các giá trị văn hóa truyền thống trong quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, nhưng cũng không ít những lề thói. Mà mới đây nhất, Vũ Từ Trang dành cả cuốn tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” (NXB Phụ nữ) kể chuyện người, chuyện đời trong ngôi làng, từ ngôi làng đầy thân thương, gắn bó và cũng đầy áp lực ấy. Trong tiểu thuyết, nhà thơ cũng chỉ dành cho nhân vật “tôi” mấy lời có chút tôn trọng của người khác, rằng ông đi nhiều, nghe nhiều, lại làm nghề văn, nghề báo, còn lại, “tôi” đóng vai một người nhìn, nghe, được nghe, được tin cậy kể lại, để mà tái hiện đan xen những cung bậc ái ố hỷ nộ, khóc cười, hạnh phúc khổ đau từ nhiều thế hệ người của ngôi làng quê hương. Vậy nhưng, tự sau “tôi” ấy, lại có thể thấy hình bóng tác giả đứng bên cánh cổng làng quê mà đau đáu bao điều về cách sống, lối sống, sự sống và lẽ sống. Những cái sống ấy, như nhà thơ liên tưởng, phải có văn hóa là nền tảng và cũng là mục tiêu hướng đến. Mà ở đây, không cao xa gì, là những đúc kết giá trị con người, là chân, thiện, nhân ái, bao dung, tự trọng và biết quý, biết giữ lấy những vẻ đẹp.

Cuốn tiểu thuyết và trước đó, tập chân dung văn học, ra đời trong những tháng ngày tác giả ốm mệt. Nhà thơ bền bỉ làm việc giữa những đợt điều trị bằng cố gắng phi thường. Và, gom lại những vẻ đẹp từ trang viết cùng đời sống của ông, người ta nhận ra sự mạnh mẽ vươn tới để không ngừng sống và viết không phải lúc này mới xuất hiện. Nó đã có từ bao lâu rồi, ngay trong vẻ thanh thoát như bút danh của ông: Vũ Từ Trang.