Sáng tác để góp phần gìn giữ dân ca

Gặp nhạc sĩ Đoàn Thu Trà ở bất cứ đâu cũng thấy chị sôi nổi, nhiệt huyết với câu chuyện về những chuyến tác nghiệp hay một ca khúc vừa mới  thu thanh. Sâu thẳm trong những câu chuyện ấy là mong mỏi giữ được dân ca trong đời sống đương đại.

Nhạc sĩ Đoàn Thu Trà (thứ năm, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn trong chuyến tìm hiểu thực hành Then. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Đoàn Thu Trà (thứ năm, từ trái sang) cùng các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn trong chuyến tìm hiểu thực hành Then. Ảnh nhân vật cung cấp

Tăng sức thu hút cho tác phẩm

Tiếp bước người cha là nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đoàn Thu Trà cũng công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) với nhiệm vụ là thực hiện các chương trình dân ca nhạc cổ. Chị làm quen với âm nhạc khá sớm khi thường xuyên theo cha đến phòng thu xem thu thanh và nghe các nghệ sĩ đàn hát ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng nhờ thói quen của nhạc sĩ Đoàn Bổng là thường hát đi hát lại những sáng tác mới nên chị cũng đã thuộc hầu hết các sáng tác của cha. Tuổi thơ Đoàn Thu Trà sống trong thế giới âm nhạc nên không khó hiểu khi năm tuổi chị đã tham gia biểu diễn trong chương trình “Những bông hoa nhỏ” và thu thanh những ca khúc viết cho các hoạt cảnh múa rối dành cho trẻ em trên THVN.

Là biên tập viên âm nhạc, chị tâm tư về cái khó của chương trình dân ca nhạc cổ là: bên cạnh việc giới thiệu những làn điệu dân ca qua các clip nghệ thuật thì chương trình còn phải mang đến cho khán giả những thông tin khác như: Tính chất âm nhạc, lời ca của từng thể loại, nhạc cụ đệm cho hát, không gian diễn xướng, các hoạt động bảo tồn và kế thừa... Và làm sao để khán giả xem mà không thấy nhàm chán, làm sao chỉ trong vòng vài chục phút có thể truyền tải đủ thông tin mà không bị khô cứng và phải mang được tính thưởng thức cao. Do đó, khi đến với mỗi miền quê, mỗi vùng dân ca, việc đầu tiên chị làm là tìm hiểu về lịch sử ra đời của các làn điệu cùng các sinh hoạt ca hát của người dân địa phương, tìm các tư liệu quý để từ đó lên kịch bản tổng thể và viết lời bình cho các phóng sự. 

Cùng với đó, chị thường xuyên thay đổi thể loại rồi làm “mềm hóa” dân ca để người xem được thưởng thức nhiều nhất có thể làn điệu của các vùng miền, nhất là những miền quê xa ít có dịp được giới thiệu trên sóng.

Đưa dân ca vào ca khúc 

Biết sáng tác từ những năm bảy, tám tuổi cùng với việc nghe lời khuyên của người cha, rằng sáng tác là con đường lâu dài và là công việc có thể được sáng tạo một cách độc lập mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai nên mặc dù bận rộn với chương trình trên sóng, Đoàn Thu Trà vẫn sáng tác đều. Chị luôn biết vận dụng âm nhạc dân gian vào trong tác phẩm một cách nhuần nhuyễn và đúng với tính chất âm nhạc của từng vùng miền. Có thể lấy minh chứng cho một số ca khúc của chị như: “Em mãi là mùa xuân” (thơ Tuấn Giang) sử dụng chất liệu dân ca miền núi phía bắc cùng chất liệu dân ca H’Mông, “Trở về quê mẹ” (thơ Nguyễn Xuân Việt) sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, “Cô gái Bến Tre” (thơ Nguyễn Linh) mang màu sắc dân ca Nam Bộ, “Phải duyên” (thơ Đoàn Kim Vân) phảng phất dân ca Nam Bộ và pha một chút dân ca Chăm…

Trong các sáng tác của mình, chị luôn ý thức rằng, mình là người Việt Nam, vì vậy phải viết làm sao để ra tính chất âm nhạc của Việt Nam chứ không phải là sự lai căng âm nhạc của nước ngoài. Nhưng có lẽ âm nhạc dân tộc đã ăn sâu vào máu của mình nên khi chị nghĩ ra một nét nhạc thì trong đó đã hiện lên rõ nét âm nhạc của dân tộc. Chất liệu âm nhạc dân tộc được chị đưa vào trong tác phẩm đều có chủ ý để phù hợp lời ca của tác phẩm. Chẳng hạn như khi chị viết ca khúc “Em là con gái họ Đoàn” lấy cảm hứng từ ý thơ dân gian “Xôi nếp cái, gái họ Đoàn”, chị đã nghĩ rằng mình phải dùng chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bằng Bắc Bộ có pha nhạc chèo vào trong tác phẩm cho phù hợp. Thông thường khi viết xong một tác phẩm nào đó, chị thường hát đi, hát lại để xem giai điệu và lời ca đã được chưa, có gì cần chỉnh sửa không. Lúc ấy, chị lại đóng vai là một ca sĩ tự hát và thưởng thức tác phẩm của mình. Chị luôn cố gắng tránh viết âm vực quá rộng để phù hợp âm vực chung của đa số người hát.

Hơn 20 năm hoạt động chuyên nghiệp, nhạc sĩ Đoàn Thu Trà cho rằng, để sáng tác một tác phẩm khai thác chất liệu dân ca là không dễ, nhưng nếu biết vận dụng điều này thì tác phẩm sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. “Đáng mừng là hiện nay có không ít nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca kết hợp phong cách âm nhạc hiện đại. Để viết được những ca khúc này, các nhạc sĩ cần phải được cảm thụ tốt dân ca mà điều này không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình bền bỉ, dài lâu”, chị khẳng định.