Phường rối nước Nhân Hòa cần thêm lực đẩy

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các nghệ sĩ nông dân, rất nên có xúc tác bằng nhiều cách của địa phương, xã hội, để rối nước Nhân Hòa không chỉ được giữ một cách bình thường, mà có thể sống khỏe, sáng tạo, phát triển.

Các nhạc công phường rối biểu diễn phục vụ khách tham quan.
Các nhạc công phường rối biểu diễn phục vụ khách tham quan.

Tự tìm đường

Trò rối nước làng Nhân Hòa, xã Nhân Mục (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng như các làng rối khác, không biết có từ bao giờ. Sau những năm khó - cũng là cái khó chung khi các phường rối nước cổ truyền bị bẵng đi sự quan tâm một thời, gần đây phường Nhân Hòa đã chủ động hơn trong việc tìm cơ hội biểu diễn, tăng thu nhập. Tất nhiên chủ yếu là tự mày mò, như một cách vận động tự thân của những phường - nhóm nghệ thuật đồng quê vốn chẳng có biên chế hay đãi ngộ gì, mà chỉ cố níu kéo cái nghề rối truyền đời cho thỏa đam mê của mình.

Trưởng phường Trần Văn Dũng vui vui cho biết, giờ trung bình mỗi tháng phường diễn được hơn 10 suất tại hồ nước trong khuôn viên đình làng. Mỗi suất diễn nếu vài chục khách, phường chỉ lấy khoảng hơn một triệu đồng. Nếu là đoàn trăm, hơn trăm khách, phường mới lấy từ 1,5 đến hai triệu đồng. Số tiền khiêm tốn ấy được chia cho 12 thành viên, mỗi người khoảng 70 nghìn đồng. Còn thì dành dụm cho tu sửa, mua sắm thiết bị, tự đóng quân rối mới.

Tính ra thế cũng chỉ là tằn tiện, vì tính tổng mỗi tháng, mỗi người không được là bao. Nhưng diễn được hơn 10 buổi/tháng cũng đã là cố gắng tự lên mạng chào mời, giới thiệu với khách và các công ty du lịch… để người ta tìm đến. Nên bây giờ, khách từ nhiều nước và học sinh nhiều trường phổ thông trên địa bàn hay các vùng lân cận đã đến xem diễn rối nước ở đây.

Hơn chục người, một nửa mặc quần yếm chống thấm lội vào thủy đình diễn rối bằng sào, một nửa ngồi trên bờ chơi nhị, đàn bầu, trống, đàn nguyệt và vào vai các con rối hát chèo, gọi nhau, trò chuyện với nhau việc đồng áng, thôn xóm. Cũng gần gũi nhiều phường rối khác ở những trò múa rồng, phượng, tứ linh, múa tiên, chọi trâu, đánh cáo bắt vịt, bắt cá…, người phường rối Nhân Hòa có thêm trò Thạch Sanh đánh trăn tinh khá kịch tính, cùng trò hát văn, phường bát âm… Bây giờ, phường còn có thêm “tiết mục” mời khách dùng mấy thức quà quê giản dị như lạc luộc, khoai lang luộc…, nước chè, bán một số quân rối làm quà lưu niệm cho thêm phần không khí.

Còn thiếu “gạch lát đường”

Thủy đình được xây dựng chục năm nay, nhìn đã cũ, bộ loa dùng lâu tiếng đã sạn, con rối dùng một thời gian cũng đã cũ…, nhưng không khí say sưa của những người diễn rối vẫn thu hút người xem. Chị Trần Thị Liễu người ở đây, lấy chồng bên làng Tam Đa, vẫn chạy đi, chạy lại hát chèo, đóng vai cho rối. Có những suất diễn một mình làm mấy vai cả nam cả nữ, mệt muốn hết hơi. Theo các bác, các chú từ hồi nhỏ - mấy chục năm trước, chị từng được địa phương cho đi học diễn rối một chút, chị tâm sự, cái nào lợi thế hơn thì mình làm. Tôi thì giật con rối cũng được. Còn mấy chị nữa cũng hát được, thay nhau diễn.

Nhưng cũng như anh Dũng cho biết, mọi người trong phường tuổi đều đã trên 40, trước phường có 20 người, rồi vắng dần đi. Mà thanh niên thì cũng phải lo đi làm ăn, nên khó phát triển thành viên trẻ cho phường. Anh Trần Văn Đôn, công chức văn hóa xã, hằng tuần ra giúp phường lo tổ chức biểu diễn, cho rằng, phường rối nước Nhân Hòa cần được hỗ trợ vì nhiều thứ xuống cấp rồi, phải được thay, được sửa. Còn theo anh Nguyễn Văn Trinh, Phó phòng văn hóa thông tin huyện Vĩnh Bảo, thì địa phương vẫn chưa hỗ trợ được gì mấy. Các tour du lịch tự người ta hợp tác với phường.

Xem ra đó vẫn còn là những điều còn để lửng ở xã Nhân Mục này, với trường hợp phường rối nước Nhân Hòa - một di sản quý của huyện Vĩnh Bảo. Quảng bá nhiều hơn trên hệ thống thông tin mạng, lồng ghép rối nước vào các tour du lịch về Hải Phòng, hỗ trợ mua sắm thiết bị âm thanh, chi phí nguyên vật liệu cho người trong phường tự làm quân rối... Đó có thể là những việc địa phương cần đồng hành với phường rối. Đặc biệt là câu chuyện sáng tạo trò rối mới từ nền tảng truyền thống, văn hóa quê hương Nhân Mục, Vĩnh Bảo. Huyện này là quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều danh nhân văn hóa, danh tướng, rồi những câu chuyện hay về người xưa khai phá, đào sông dẫn thủy nhập điền… Những câu chuyện huyền thoại về đất và người ở đây, rất đáng để chọn lựa “rối nước hóa”, sao cho di sản quê hương giới thiệu và tôn vinh truyền thống quê hương một cách thú vị.