Những cái thiếu của văn học đồng bằng sông Cửu Long

Hơn 40 năm qua, văn học đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Nhiều cây bút tài năng lần lượt xuất hiện đã góp phần hình thành một đội ngũ sáng tác đông đảo nơi vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Tuy nhiên, văn học vùng đất này vẫn còn những cái thiếu để có thể bứt phá, khởi sắc hơn trong tương lai.

Các nhà văn trong hội thảo “Thơ và văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm qua” tại tỉnh Bến Tre cuối tháng 8 vừa qua.
Các nhà văn trong hội thảo “Thơ và văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm qua” tại tỉnh Bến Tre cuối tháng 8 vừa qua.

1 . Cái thiếu dễ nhận thấy của văn học ĐBSCL chính là thiếu đội ngũ lý luận phê bình văn học. Tại hội thảo “Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm qua” do Hội Nhà văn Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tại tỉnh Bến Tre, nhà thơ Võ Tấn Cường, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội VHNT Tiền Giang nhận định, ĐBSCL đang thiếu những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Theo đó, suốt nhiều thập niên qua, trên các trang phê bình văn học của các tạp chí văn học địa phương, chủ yếu đăng bài phê bình văn học theo phong cách báo chí. Những bài viết mang tính chuyên sâu, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật các tác phẩm mang tính học thuật của các cây bút thì quá hiếm hoi. Các nhà phê bình văn học của vùng đất này hầu như vắng bóng trong các diễn đàn đối thoại về văn học nghệ thuật và các hoạt động thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học.

Điều này dẫn đến hiện trạng thiếu sự tương tác giữa hoạt động sáng tác và tiếp nhận tác phẩm. Những tác phẩm mới của các tác giả đồng bằng ra đời thường rơi vào im ắng khi thiếu những bài viết đánh giá, thẩm định chất lượng tác phẩm một cách khách quan để người đọc thấy được vẻ đẹp của nó cũng như phong cách riêng của từng tác giả. Chính vì thế, dù vùng đất ĐBSCL đang xuất hiện nhiều cây bút triển vọng, vừa mang vẻ đẹp văn hóa vùng miền, vừa hòa chung với hơi thở thời đại nhưng tác phẩm của họ vẫn chưa vươn xa, chưa được nhiều độc giả biết đến khi thiếu hẳn bệ đỡ từ những nhà phê bình văn học.

2 . Những năm gần đây, các cây bút trẻ vùng ĐBSCL xuất hiện khá nhiều và đang từng bước khẳng định mình. Hầu hết những cây bút này sau một thời gian chưa lâu bén duyên với văn chương đều cho ra đời các tác phẩm đầu tay. Tuy nhiên, dù đông đảo về số lượng, nhưng phần lớn, những cây bút trẻ đồng bằng vẫn thiếu sự bứt phá mạnh mẽ để tạo dấu ấn trong tác phẩm của mình. Phần lớn những tác phẩm của các cây bút trẻ đều mang vẻ đèm đẹp giống nhau, chưa thấy nhiều sự tìm tòi trong chọn đề tài, bút pháp thể hiện. Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu bứt phá những cây bút trẻ ĐBSCL chính là việc kiếm sống bằng nghề viết văn ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi.

Mặt khác, đất dành cho văn chương, đặc biệt là dành cho các bạn viết trẻ ngày càng thu hẹp dần khiến cho các cây bút trẻ không có nhiều điều kiện để gởi gắm những tác phẩm mới của mình, dẫn đến cạn dần cảm hứng sáng tác. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng tài năng văn chương vẫn chưa được quan tâm ở một số địa phương. Không có những “cú huých” đó, sự thiếu bứt phá trong lực lượng sáng tác trẻ ĐBSCL hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

3 . Và một cái thiếu quan trọng khác đối với văn học ĐBSCL chính là thiếu… không khí sáng tác. Theo nhà văn Ngô Khắc Tài, Hội VHNT An Giang, có những giai đoạn không khí văn học miền Tây Nam Bộ rất tưng bừng hồ hởi. Đó là những năm sau giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Rồi đến giai đoạn đất nước đổi mới, giới văn nghệ sĩ ĐBSCL vẫn là lực lượng hòa nhập vào xã hội trước nhất. “Chỉ cần bình trà, vài chai rượu, con khô, anh em văn nghệ có thể trò chuyện với nhau suốt đêm, từ chuyện chiến khu đến chuyện chữ nghĩa văn chương, để rồi qua không khí đó đã rộ lên các phong trào sáng tác. Các hội văn nghệ ngày ấy anh em đi lại với nhau như người cùng một nhà. Dù chưa có điện thoại, internet, nhưng qua những chuyến giao lưu đó, anh em đã biết các tác phẩm của nhau, cùng động viên nhau sáng tác. Những cây bút như Nguyễn Trọng Tín, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Phạm Trung Khâu, Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Thanh, Anh Động, Kim Ba, Vũ Hồng… đã được cả nước biết đến”, nhà văn Ngô Khắc Tài nhớ lại.

Nhưng rồi, khi vùng đất miền tây bắt đầu sôi động trong giai đoạn phát triển hiện nay, không khí ấy lại trở nên trầm lắng. Các nhà văn cũng bắt đầu thích sống trong thế giới ảo hơn mà ít chịu tìm đến với nhau, đi thực tế, nên khó tìm cảm xúc sáng tác, tác phẩm từ đó cũng nhạt dần. Hội văn nghệ địa phương không còn là vườn ươm, nơi nuôi dưỡng những cây bút trẻ đúng nghĩa nữa, mà trở nên hành chính hơn, thiếu hẳn không khí văn nghệ. Tuy nhiên, không quá bi quan cho văn học ĐBSCL, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội VHNT An Giang cho rằng, văn học vùng đất này đang xuất hiện một lớp tác giả trẻ mới, đáng để hy vọng.