Miệt mài đi và vẽ

Dù sức khỏe không tốt nhưng họa sĩ Đặng Tin Tưởng luôn sống hết mình với đam mê. Với ông, vẽ là niềm vui sướng nhất. Ông thích chinh phục những tác phẩm lớn và chất lượng tốt.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng và cháu gái.
Họa sĩ Đặng Tin Tưởng và cháu gái.

Vất vả vì cái đẹp

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng sinh ra tại làng quê huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Chất quê được ông coi là thế mạnh để thể hiện các tác phẩm đầy tình quê, phóng khoáng và nhiều tranh phong cảnh khổ lớn. Họa sĩ Nguyễn Quân nhận xét: “Đặng Tin Tưởng là một họa sĩ đa tài, từ tranh gỗ, in đá, in kính, ông thể nghiệm các kỹ thuật đồ họa khác nhau trên cơ sở các bức ghi chép tỉ mỉ... Các tác phẩm hội họa của ông gây ấn tượng bởi nét bút phóng khoáng. Ông vẽ mây núi bạt ngàn, trảng cỏ tưng bừng, vạt hoa cuồn cuộn như được cười nói hân hoan”.

Bút pháp của ông khá phong phú và thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý với nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ. Trong suốt nhiều năm, ông sáng tác bền bỉ, đa dạng từ dòng tranh sơn khắc, giấy dó, chất liệu acrylic… Tranh của ông có sự chuyển mầu táo bạo, có những mầu đối lập nhau, nét bút phong phú và khả năng thay đổi bố cục thông minh tạo nên nét riêng biệt. Năm 2019, ông cùng ba họa sĩ khác cùng triển lãm, có tên “Niệm”, Đặng Tin Tưởng một lần nữa thể hiện là một “thương hiệu” sơn khắc. Ông đã chứng minh khả năng diễn đạt những tinh thần mới của một trong những chất liệu cổ xưa nhất của người Á Đông.

Những năm qua, dù thị lực kém, song ông đều có những chuyến thực tế sáng tác ở Sa Pa (Lào Cai). Đó là những chuyến đi dài, thậm chí ông đã thuê xưởng tại đó để vừa ngắm cảnh, trải nghiệm, vừa vẽ. Năm 2018, ông đã tổ chức triển lãm “Sa Pa bốn mùa mây núi”. Chỉ với 12 bức tranh chất liệu acrylic, nhưng đều là khổ lớn từ 5 - 7 m. Ông trở đi, trở lại với “Sa Pa mùa nước”, “Sa Pa mùa hoa”, “Sa Pa mùa mây”, “Sa Pa mùa lúa chín”... Nhiều người trong giới ngạc nhiên trước sự sáng tạo đầy cảm hứng của người nghệ sĩ. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, bằng chính những trải nghiệm của mình một cách trung thực. Nét bút mộc mạc, khiêm nhường, giản dị. Đặng Tin Tưởng chia sẻ: “Tôi vẽ nhiều tranh phong cảnh. Ở miền xuôi, các bức tranh phong cảnh như cái cây, cái miếu, cái ao, sân đình được tái hiện lại một cách rõ ràng và thấm đẫm cảm xúc”.

Truyền cảm hứng cho con cháu

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng là người biết cách giáo dục con tự lập để đi trên đôi chân của mình và bộc lộ đam mê. Hai con của ông một trai một gái đều làm việc về nghệ thuật. Con cả Đặng Minh Hải học kiến trúc, con gái Đặng Thanh Hoa tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam và hiện đang giảng dạy tại đây. Hai cháu nội là Đặng Thục Giang (12 tuổi) và Đặng Bình An (5 tuổi) cũng đam mê và vẽ khá tốt. Họa sĩ chia sẻ: “Các cháu đều có năng khiếu, vẽ rất có hồn. Các cháu sẽ phát triển tốt vì vừa có tố chất vừa có tư duy”. Hỏi về chuyện định hướng, họa sĩ Đặng Tin Tưởng nói rằng: “Trẻ con cứ để cho chúng tự do vẽ theo cái cảm xúc, tình cảm của chúng. Các con, các cháu của tôi đều như vậy. Nếu định hướng theo tư duy người lớn là hỏng. Lúc các cháu có đầu óc như tờ giấy trắng mà phải ép vào khuôn khổ, đi vào những cái chuẩn mực, quy định trong một lĩnh vực nghề nghiệp thì theo tôi không tốt chút nào”.

Với hàng chục bức tranh khổ lớn, họa sĩ Đặng Tin Tưởng không thể bán bởi khó có vị khách hàng nào có đủ không gian lớn để mua về treo. Vì thế, ông có điều kiện giữ lại những bức tranh đó là “của nả” cho mình. Họa sĩ Trần Thanh Thục cho rằng, Đặng Tin Tưởng có một gia tài lớn mà nhiều họa sĩ ao ước.

Nhưng ông không chịu dừng ở những thành quả mà vẫn miệt mài sáng tạo để được hạnh phúc vì nghệ thuật. Ông đã nhận được những giải thưởng: Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật Thủ đô các năm 1980 và 1995, trao cho các tác phẩm: “Đền thờ Nguyễn Trãi”, “Đền Ngọc Sơn trong ngày hội”; Giải thưởng mỹ thuật nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao tặng; Huy chương “Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa thể thao và du lịch”…