May mắn sáng tác nhờ “mỏ vàng” miền núi

Hạnh phúc vì được sống, trải nghiệm trong không gian miền núi Tây Bắc. Nhờ đó mà được hun đúc, khơi gợi niềm đam mê sáng tác. Đó là tâm sự của nhà văn Đoàn Hữu Nam khi tiểu thuyết “Rễ người” của anh do NXB CAND ấn hành, vừa giành giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV, năm 2017 - 2020.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam (đứng thứ hai từ phải sang) cùng các tác giả nhận giải A.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam (đứng thứ hai từ phải sang) cùng các tác giả nhận giải A.

Phóng viên (PV): Được biết anh từng là công nhân làm đường rồi trở thành nhà văn, cơ duyên nào vậy?

Nhà văn Đoàn Hữu Nam (ĐHN): Cũng là từ cuộc sống thường ngày thôi. Sau chín năm trực tiếp làm công nhân mở đường tôi thấy sức lực cũng như trí tuệ của mình không hợp với xà beng, cuốc xẻng nên đã vẫy vùng để có cơ hội gần gũi với chữ nghĩa, văn chương. Tôi đã gặp may, đã được chuyển công tác về ngành văn hóa huyện, sau này được về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Một điều may mắn cho tôi, Lào Cai là nơi có bề dày văn hóa, về lịch sử, về tình người, đặc biệt là đã nuôi dưỡng nên những thành công của lớp nhà văn, nhà thơ tiếng tăm như Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn... Những tấm gương lao động sáng tạo miệt mài, nhân cách bền bỉ tỏa sáng đã cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng và nghị lực để vượt qua khó khăn, trở ngại.

PV: Trong tiểu thuyết “Rễ người”, nhân vật ngoài việc chạy trốn, đối mặt với sinh tồn còn đối mặt với quá khứ của bản thân, của gia đình, dòng tộc, xã hội… Anh có gặp khó khăn khi xây dựng nhân vật là người dân tộc thiểu số?

ĐHN: Với tôi, viết về đồng bào dân tộc nơi tôi đã biết, đã gắn bó, dẫu có nhiều khó khăn song tôi vẫn có thể vững tin với từng trang viết, bởi cơ bản tôi có một may mắn là đến nay có gần năm chục năm sinh sống trên mảnh đất miền núi phía bắc. Những năm tháng gặp gỡ, tiếp xúc, thậm chí ba cùng với đồng bào các dân tộc đã cho tôi rất nhiều. Đó là sự tích tụ qua ngày, qua tháng, nó vào tôi tự nhiên như nhiên rồi ở lại, ngấm vào, ban đầu thì chẳng để làm gì cả, ví như lúc 17 tuổi rời Hà Nam lên làm công nhân cầu đường trên Hưng Khánh (Trấn Yên - Yên Bái), cả tổ được ở nhờ một nhà người Tày, bạn bè đi làm về là khểnh ra sàn ngủ, song với tôi văn hóa người Tày trong ngôn ngữ, ăn, ở, sinh hoạt, tiếp xúc lúc ấy đã như hút hồn tôi, cái mới lạ từ ngôi nhà sàn và quần thể nhà sàn, cái mà một thanh niên mới lớn sinh ra ở vùng chiêm trũng như tôi chưa thấy bao giờ. Cái mới lạ từ cô gái chủ nhà yểu điệu, thiết tha với bộ váy áo Tày truyền thống, từ những đêm mưa bên bếp lửa bập bùng ông chủ nhà chiều tôi kể chuyện về phong tục, về chuyện cổ tích người Tày. Rồi rừng cọ, đồi chè. Rồi con suối loanh quanh ăm ắp nước… Tất cả đã cho tôi vốn sống người Tày từ khi tôi mới đặt chân tới vùng Yên Bái. 

Những tháng năm tiếp theo, những con đường đưa chân tôi đến khắp các đất Lương Thịnh, Kiên Thành, Sơn Thủy, Nậm Mòn, Cốc Ly…, toàn những nơi vùng sâu, vùng xa, rừng sâu núi thẳm, vất vả, gian nan không thể tính được, song đến nơi nào tôi cũng có những người đồng bào chất phác yêu quý. Chính những người tôi gặp trên đường, coi tôi như người thân ấy đã cho tôi vốn sống để cho tôi sau này vững tin bước vào con đường văn chương.

PV: Có vẻ như anh đang sống ở một “mỏ vàng” với đề tài phong phú?

ĐHN: Không chỉ văn chương và cả cuộc sống nữa. Nhà văn nào cũng có “mỏ vàng” ấy, chỉ có điều là có khai thác được hay không. Lâu nay, khi nghĩ tới đi đâu, làm gì trong tỉnh là tôi nghĩ ngay tới những người dân tộc thiểu số… Đến những nơi này, cùng được hòa vào không khí liêu trai mây bay gió thổi là tôi được hòa nhập ngay, hưởng thụ ngay với nền văn hóa của các tộc người mà chúng ta đang phải bỏ tiền của, thời gian vào việc lưu giữ, khai thác, phát huy. 

Với cuộc sống là vậy, còn sáng tác, khi cầm bút là tôi nghĩ ngay đến đề tài miền núi và dân tộc. Những mỏ vàng này đã nuôi dưỡng tôi trong những ngày gian khó, gây dựng, tạo cảm hứng và cho tôi vững tin cầm bút, cho tôi thành công trên trang sách.

PV: Anh đánh giá chất lượng cuộc thi anh vừa mới tham dự như thế nào? 

ĐHN: Nhìn vào đội ngũ dự thi đông đảo, đặc biệt là rất nhiều các tác giả tham gia dự thi thể loại tiểu thuyết thì tôi và mọi người đã thấy sự tác động của cuộc thi tới những nhà văn yêu mến đề tài này như thế nào. Và nữa, trong đội ngũ dự thi có những nhà văn tên tuổi tham gia, có những nhà văn lớp trẻ, có nhà văn trong lực lượng CAND, nhà văn khu vực miền núi, dân tộc, nhà văn khắp ba miền tham gia.

PV: Xin cảm ơn nhà văn!