Làng “Sài Gòn” ở... xứ Quảng

Đó là cách nói ví von khi nghe người ở đây trò chuyện, họ như một “ốc đảo” riêng biệt khi phát âm mà nhiều người nhầm tưởng họ từ TP Hồ Chí Minh ra. Nhưng không, họ là người Quảng Nam, sinh ra lớn lên ở đây, nói tiếng nói ở một vùng khác nếu so sánh những làng lân cận.

Ông Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ về cách phát âm đặc trưng của địa phương. Ảnh: TRƯỜNG AN
Ông Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ về cách phát âm đặc trưng của địa phương. Ảnh: TRƯỜNG AN

Không có “răng, mô, rứa”

Làng Lộc Đại (thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), chất giọng ở nơi đây mang âm hưởng miền nam. Được biết, làng Lộc Đại trước kia có tên là Gia Lộc, nằm dưới chân núi Hòn Tàu.

Anh Nguyễn Chức, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quế Sơn, đưa tôi đi tìm hiểu về chất giọng độc đáo của ngôi làng này. Thấy có người đến nhà, cô Trần Thị Thủy hồ hởi ra hỏi: “Mấy chú tìm nhà ai vậy? Nhà này là của ông Hồng, là ba chồng của tôi”. Trong các câu nói của cô Thủy không có bất cứ từ ngữ nào theo cách người Quảng hay dùng là “rứa”, “ni, kia”.

Theo trí nhớ của ông Nguyễn Xuân Hồng, 77 tuổi, thì dòng họ của ông đã sinh sống tại làng Lộc Đại từ trước đời ông nội của ông. Đến nay, thế hệ con, cháu của ông Hồng đã trưởng thành. Điều độc đáo là ở giọng nói của họ đều chuẩn phổ thông, không hề sai chính tả trong cách phát âm. Khu vực tỉnh Quảng Nam thường có kiểu phát âm nặng và cứng. Những từ ngữ như “bao gạo” sẽ được nói thành “bô gộ”, “củ sắn” sẽ nói thành “củ sén”. Chỉ riêng ở làng Lộc Đại thì tất cả từ ngữ đều được phát âm rất nhẹ, dễ nghe như giọng người TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về vấn đề cách phát âm này, ông Trần Công Lý, 73 tuổi, một cao niên trong làng cho biết: “Từ thế kỷ XVII, người dân làng chúng tôi tập trung về đây sinh sống. Chỉ biết được có một số người dân gốc miền bắc vào đây khai đất, lập làng. Nhưng phần nhiều là dân gốc Quảng Nam. Bản thân tôi sinh ra, lớn lên thì đã nói theo kiểu giọng Sài thành “đặc trưng” này rồi”. Ông kể, hồi nhỏ, khi đi học, bản thân ông với bạn học cùng lớp thường xích mích cũng chỉ vì cách nói của mình khác chúng nó. “Họ bảo tôi giả giọng nhưng không có, vì bản chất giọng nói của mình vậy rồi, muốn giả cũng chẳng được”, ông Lý cười bảo.

Ở Lộc Đại còn có những đặc trưng trong ngôn ngữ khác với những ngôi làng bên cạnh, dù chỉ cách nhau một con đường làng. Đến đây, muốn tìm một ngọn đồi thì sẽ không thể hỏi thăm được, vì người dân chỉ quen cách gọi là “núi”, thay cho “đồi”. Cũng từ cách nói năng chuẩn theo giọng phổ thông mà cô Đặng Thị Tâm (65 tuổi, xã Quế Hiệp) tự hào khi mỗi dịp vào miền nam sẽ dễ dàng giao tiếp với nhiều người, cô bảo: “Ở làng này, nhiều cháu nhỏ được ba mẹ gửi về sống cùng ông, bà ở đây để đi học. Dân chúng tôi luôn tự ý thức gìn giữ cái giọng nói bao đời này cho lớp trẻ. Cứ thế trẻ con lớn lên sẽ tiếp tục mang giọng nói kiểu này đi làm ăn ở nhiều nơi”.

“Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có một số đoàn các nhà nghiên cứu về Lộc Đại để khảo sát, nắm tình hình liên quan đến giọng nói của người dân. Vẫn chưa có tài liệu nào nói về vấn đề do ảnh hưởng bởi việc do người dân ảnh hưởng chất giọng miền nam khi đi làm ăn ở trong đó mang về địa phương”, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp thông tin thêm.

Hiện tượng “Ốc đảo thổ ngữ”

Giải thích cho hiện tượng này, PGS, TS Lê Đức Luận, khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, hiện tượng người dân ở vùng đất Quảng Nam mà lại phát âm theo kiểu giọng miền nam thì được gọi là “Đảo thổ ngữ” hay “Ốc đảo thổ ngữ”. Hiện tượng này cũng xuất hiện tại một số nơi như làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên Huế), làng Cảnh Dương (Quảng Bình), làng Nghi Lộc (Nghệ An). Có thể do địa bàn cư trú, sinh sống lâu ngày của người dân đã làm chất giọng bị thay đổi.

PGS, TS Trần Văn Sáng ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Khoa học Huế đánh giá về góc độ có sự di dân: “Người Việt ở Quảng Nam có nguồn gốc từ những cuộc di dân Nam tiến trong lịch sử như từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đi vào đây; bên cạnh cư dân Chăm và cư dân Mon - Khmer bản địa sinh sống. Vì vậy, từ xa xưa có sự tiếp xúc, giao lưu tiếp biến văn hóa cũng là điều dễ hiểu. Đây là lý do mà nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ như Vương Hữu Lễ, Hoàng Thị Châu, Cao Xuân Hạo, Hồ Trung Tú... cho rằng trong tiếng Quảng Nam thường bảo lưu hoặc có yếu tố Chăm, sẽ có hiện tượng giao lưu ngôn ngữ Việt - Chăm, Chăm - Việt trong giao tiếp”. Sự khác biệt về sự tồn tại các thể ngôn ngữ địa lý khác nhau, chứ hoàn toàn không liên quan tới nguồn nước nơi người dân sinh sống. Bằng chứng là nhiều làng sống cách mỗi con sông, bờ ao nhưng tiếng nói vẫn khác nhau trong cách phát âm và dùng từ.

Tiếng Quảng Nam có những điểm giống tiếng TP Hồ Chí Minh vì cùng một vùng phương ngữ Nam, dù giữa chúng vẫn tồn tại những khác biệt tinh tế. Chẳng hạn, cả tiếng Quảng và tiếng TP Hồ Chí Minh đều có hiện tượng nhập âm: ông ấy - ổng, anh ấy - ảnh, bà ấy - bả…; phụ âm đầu [v] thường được phát âm thành [z] như về - dề/dìa, vô-dô…; những tiếng Quảng Nam thường không có âm đệm [w] như trong các từ thúy > thí, thuế > thế… hay nguyên âm [a] thường có nhiều biến đổi xa so với từ toàn dân: nam > nôm, đạp > đọp hay ba > boa, xa > xoa… - PGS, TS Trần Văn Sáng phân tích thêm về hiện tượng ngôn ngữ thú vị này.