Làng nhạc thời 4.0

Khi công nghệ “tiến công” vào mọi ngõ ngách đời sống thì những người làm trong lĩnh vực âm nhạc cũng phải thay đổi. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đang đặt ra những đòi hỏi mới, mà nếu không đầu tư sẽ khó đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Làng nhạc thời 4.0

1/ Không cần phải đón đợi từng ngày, chờ đến lúc ca sĩ, diễn viên ra đĩa mới để mua, cũng không lo mua phải băng đĩa lậu kém chất lượng, bây giờ khán giả chỉ cần ngồi nhà với một chiếc điện thoại smartphone hoặc TV kết nối mạng internet là có thể xem, nghe bất cứ thứ gì mình muốn. Thậm chí các bài hát mới, các MV được cập nhật từng phút, “nóng hổi vừa thổi vừa xem”. Những thứ khán giả thế giới có thì Việt Nam cũng không bỏ lỡ. Tiếp theo những 8X, 9X giờ người ta đã gọi là thế hệ Y, thế hệ Z (những công dân của thế giới ảo). Thế hệ trẻ bây giờ chỉ cần ngồi nhà với một cú click chuột là có thể thu cả thế giới vào trong tầm mắt.

Nhanh, cập nhật, tiện ích, phù hợp xu hướng, giảm tải thời gian tìm kiếm và không gian lưu trữ, hình thức giải trí thời đại mới nhanh chóng chiếm được ưu thế. Điều này cũng tạo cơ hội cho những ca sĩ trẻ cập nhật liên tục và đến gần hơn với người hâm mộ. Thay vì phải đầu tư kỹ lưỡng mất cả năm hoặc vài năm cho một album thì với MV, họ chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày là có thể tung lên mạng và “đếm” ngay được số lượng fan theo dõi, chia sẻ. Bởi vậy, giới nghệ sĩ bây giờ nhiều người đua nhau lập kênh riêng trên YouTube: Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Hà Anh Tuấn, Bảo Anh, Hồ Việt Trung, Lưu Chí Vỹ, Vicky Nhung, Anh Đức… Ở đó, họ có thể giới thiệu những ca khúc mới, MV mới, tương tác trực tiếp với khán giả và… hưởng lợi từ các quảng cáo. Có mặt để nhận Nút bạc của YouTube hôm 15-3 vừa qua, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thừa nhận: “Tôi như một người nông dân, một người chăn nuôi trên chính nông trại (kênh YouTube) của mình. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi được thỏa sức sáng tạo ở đó. Và chính các bạn, những người bạn, những người đồng hành, những khán giả yêu quý Đàm Vĩnh Hưng đã góp phần xây dựng nông trại đó thêm phần lớn mạnh. Tôi không thể làm gì nếu chỉ có một mình”. Đàm Vĩnh Hưng khá phấn khởi khi đạt được thành tích hơn 170 nghìn lượt đăng ký theo dõi và gần 105 triệu lượt xem vào đầu tháng 3 này dù kênh YouTube âm nhạc của anh ra đời chưa lâu.

2/ Trong thời buổi mà công nghệ lên ngôi như ngày nay, muốn tạo ra một bài hát phù hợp thị hiếu công chúng, nhiều nhạc sĩ lên các trang web của nước ngoài mua beat (giai điệu) hoặc các bộ âm thanh. Mỗi bộ âm thanh có giá khoảng 15-20 USD (từ 300.000 đến 400.000 đồng), rồi sau đó nhạc sĩ sẽ lắp ráp các phần âm thanh lại với nhau và đặt lời cho bài hát.

Ngay cả việc ra album truyền thống bây giờ cũng phải tìm một hướng đi mới. Có lẽ dự án đáng kể nhất gần đây cần nhắc, đó là album “Chat với Mozart 2” của ca sĩ Mỹ Linh. Đây là album lần đầu tiên sử dụng giải pháp Âm nhạc tương tác thông minh (Social music) - giải pháp cho phép nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể giúp người nghe nhạc tương tác với nhiều đối tượng có liên quan bài hát hoặc album, đồng thời nhận được nhiều ưu đãi hơn về những chương trình chăm sóc người hâm mộ thông qua tem QR code nhỏ dán trên bìa đĩa nhạc. Theo ca sĩ Mỹ Linh, với phiên bản social music, người nghe nhận được nhiều hơn cả bài hát hay album gốc từ chính nghệ sĩ. Bên cạnh đó, social music như là cánh tay đắc lực trong việc hỗ trợ người nghệ sĩ cùng ê-kíp sản xuất tiếp cận một cách trực tiếp và nắm bắt được hành vi tiêu dùng của người nghe. Qua đó, nghệ sĩ cũng có thể trao đổi, giao lưu trực tiếp với người hâm mộ một cách nhanh nhất.

3/ Tuy nhiên, giống như hai mặt của một tờ giấy, làng giải trí thời công nghệ số cũng có rất nhiều hệ lụy kèm theo. Sự nở rộ của các MV ca nhạc khiến những ca sĩ ngày càng phải nghĩ ra những “chiêu” mới để thu hút lượng người xem, lôi kéo fan hâm mộ. Trong cuộc đua tranh ấy, sự nóng vội, thiếu nghiêm túc, mong nổi tiếng bằng mọi giá đã đem đến không ít những MV chất lượng thấp, ca từ thiếu trau chuốt, nghèo nàn, hình ảnh phản cảm. Xa hơn, thông điệp hời hợt, thẩm mỹ lệch lạc của một số MV này tác động đến gu thẩm mỹ, trình độ thưởng thức âm nhạc của khán giả. Bên cạnh đó, thời MV lên ngôi cũng khiến các CD, VCD có chất lượng vắng bóng dần trong đời sống âm nhạc. Đến nỗi như năm vừa qua, tại một lễ trao giải âm nhạc thường niên còn bỏ trống hạng mục CD của năm vì rất ít nghệ sĩ đầu tư cho những sản phẩm âm nhạc kỳ công và có chất lượng này. Theo một số chuyên gia âm nhạc, CD, VCD như một bộ sưu tập, cuộc tổng kết, đánh dấu chặng đường hoạt động âm nhạc và phong cách, phong độ của mỗi nghệ sĩ. Còn MV chỉ là những “tấm áo mặc rời”, chẳng nói lên điều gì từ ca sĩ ấy. Như vậy, mải mê làm MV, ca sĩ vẫn mãi chỉ là những người đang tìm kiếm chỗ đứng chứ chưa phải là những người làm nên điều mới mẻ và càng không thể cống hiến, đóng góp cho nền âm nhạc Việt.

Sự bùng nổ là hợp xu hướng và phục vụ tốt cho khán giả, thúc đẩy thị trường giải trí phát triển nhưng cũng cần phải có sự kiểm soát để đi đúng hướng, có chất lượng và giàu tính sáng tạo, đậm chất nhân văn. Có như thế thì sự phát triển ấy mới đi vào chiều sâu và bền vững, vươn cao trong thời đại mới.