Không cố Việt hóa “Những người khốn khổ”

Những ngày cuối tháng 10 này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đang nỗ lực cho tác phẩm được kỳ vọng sẽ hoành tráng nhất trong năm 2020. Đó là vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo. Thời Nay có dịp trò chuyện cùng NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc VNOB).

Không cố Việt hóa “Những người khốn khổ”

Phóng viên (PV): Chị có thể chia sẻ về ý tưởng ban đầu cũng như quá trình đàm phán bản quyền để mang tác phẩm này về Việt Nam như thế nào?

NSƯT Trần Ly Ly (TLL): “Những người khốn khổ” là tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, có sức lan tỏa, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và được chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Với mong muốn công chúng Việt có cơ hội hưởng thụ những sản phẩm kinh điển của thế giới, ngay từ cuối năm 2019, VNOB đã lên ý tưởng đưa vở nhạc kịch này lên sân khấu. Mặc dù vậy, trên con đường biến ý tưởng thành hiện thực, chúng tôi phải đương đầu không ít khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ đại sứ quán Pháp, đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp… cũng như qua email với các công ty bản quyền quốc tế nhưng kết quả nhận được gần như là bất khả thi. Rất may, đến giờ, mọi việc đều suôn sẻ. VNOB đã có được bản quyền âm nhạc và sẽ chính thức ra mắt công chúng Việt vào ngày 21, 22-11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Không cố Việt hóa “Những người khốn khổ” -0
“Những người khốn khổ” lần này sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh (phần biên dịch tiếng Việt sẽ được chiếu trên màn hình tại buổi diễn). 

PV: VNOB  đã chuẩn bị như thế nào cho vở nhạc kịch? 

TLL: Ngay từ những ngày đầu tiên, ekip sáng tạo đã trao đổi về ý tưởng kịch bản. Với những gì mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho nhân loại, sự chống chọi ngoan cường của người dân trên toàn thế giới, việc nhường cơm, sẻ áo cho những người bị cách ly… đã khiến chúng tôi nghĩ đến một cách thể hiện mới của “Những người khốn khổ”. Đó là câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. 

Cũng chính vì điều này, chúng tôi đã lựa chọn dàn diễn viên, với trụ cột là các nghệ sĩ Opera nổi tiếng của VNOB, cùng với dàn hợp xướng Hanoi Voices, có thành phần là các nghệ sĩ quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, ekip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là đạo diễn trẻ Triều Dương, tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn nhạc kịch tại Anh, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành biên đạo Broadway tại Mỹ…

PV: Người xem sẽ chờ đợi gì ở “Những người khốn khổ” phiên bản Việt?

TLL: Xin khẳng định là chúng tôi không cố Việt hóa tác phẩm, cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Là tác phẩm được thực hiện tại Việt Nam và cho khán giả Việt nhưng “Những người khốn khổ” lần này lại sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Từ đó, chúng tôi mong muốn sẽ mang được cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu. 

Vở diễn sẽ có hai màn trong thời lượng khoảng hai tiếng và ở đó, sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp thời điểm hiện tại. Sẽ không có chi tiết nào bị bỏ qua và cho dù chỉ có hai tiếng, nhưng đủ để người xem cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm. Người xem sẽ được sống, cảm nhận cùng các nhân vật trong tác phẩm và có thể nhìn thấy chính mình trong thành phố ấy, môi trường ấy.

PV: Nghệ thuật hàn lâm khó tiếp cận với khán giả, vậy theo chị yếu tố nào đã thu hút công chúng và trong những tác phẩm mà VNOB thể hiện những năm gần đây?

TLL: Tôi nghĩ, trong thời gian gần đây, VNOB, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ, dám làm, đã từng bước chạm dần đến trái tim của khán giả qua những sản phẩm vừa mang tính hàn lâm, nhưng lại rất đời thường. Những vở nhạc kịch như “Maria de Buenos Aires”, ballet “Kẹp hạt dẻ”, “Peter và Chó sói”, những chương trình nghệ thuật như “Around the world”, “Rock Symphony”… và đặc biệt là vở ballet “Hồ thiên nga” đã đánh thức tâm hồn yêu nghệ thuật của người Việt, giúp công chúng cảm thấy nghệ thuật hàn lâm không còn xa lạ với mình nữa. Họ muốn được xem, được thưởng thức, được tiếp cận nhiều hơn nữa với nền nghệ thuật đỉnh cao của thế giới theo cách mà người Việt nói chung và VNOB đã, đang và sẽ làm. 

PV: Chúc chị sức khỏe và thành công!