Hội chọi trâu Đồ Sơn

Không bỏ, nhưng đừng để bị “lũng đoạn”

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) tổ chức. Gần 20 ý kiến nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện cộng đồng nhất loạt bảo vệ việc duy trì hội chọi trâu Đồ Sơn. Nhưng phải bảo đảm an toàn cũng như thu hẹp quy mô lễ hội.

Cần rà soát, điều chỉnh công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: TRUNG KIÊN
Cần rà soát, điều chỉnh công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: TRUNG KIÊN

Cụ già, trẻ nhỏ đều lo mất hội

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian khẳng định, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là cội nguồn sức mạnh cộng đồng, cho nên, nếu có tiêu cực, bức xúc thì phải tìm cách mà chăm chút cho tốt đẹp hơn, không thể vì một tai nạn mà “ban” lệnh cấm…

GS kể chuyện, sau sự cố ở vòng loại hội chọi trâu Đồ Sơn, nhiều người đã viết thư gửi ông. Có bậc cao niên ngoài 80 tuổi, có cả bà bán rau ở chợ Hải Phòng…, ai ai cũng lo lắng, liệu rằng lễ hội “đặc sản” miền biển này có bị bãi bỏ hay không. Mang theo tâm tư của người Đồ Sơn, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh bộc bạch, người dân địa phương đang ngóng chờ kết quả buổi tọa đàm. GS, TS Lê Hồng Lý (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, tai nạn hy hữu cần được nhìn nhận khách quan. Không thể vì thế mà cấm lễ hội! Ông chia sẻ, quan điểm của giới khoa học là cần tôn trọng vai trò chủ thể của lễ hội. Cần xem quan điểm của người dân như thế nào đối với bất kỳ một điều chỉnh có liên quan đến những giá trị văn hóa truyền thống này.

GS, TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng cho rằng, không nên có một quyết định quan phương nào đó để cấm một lễ hội vẫn được người dân địa phương ngóng chờ mỗi năm. Điều cần làm bây giờ là phải rà soát, điều chỉnh công tác tổ chức. Thậm chí, phải tính đến phương án người dẫn trâu vào sân mặc áo giáp; làm hàng rào sắt kiên cố cách ly khu vực chọi trâu với khán giả…

Giá trị lễ hội không phụ thuộc vào số trâu thi đấu

Ông Hoàng Xuân Minh cho biết, ngay sau sự cố, lãnh đạo quận Đồ Sơn đã triển khai xin ý kiến cộng đồng để sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức lễ hội, trong đó chú trọng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn. Các phường cũng tổ chức tọa đàm trưng cầu dân ý, đặc biệt là xin ý kiến các bậc cao niên. Theo đó, quy chế tổ chức lễ hội sẽ đặc biệt tăng cường các giải pháp như: hệ thống đường chắn, lắp thêm hàng rào bảo vệ trong sân; quy định đường dắt trâu vào sân; giải pháp chủ động xử lý những hiện tượng bất thường; xây dựng các trại trâu kiên cố; lập hội đồng kiểm tra chất lượng trâu thi đấu… Đồ Sơn cũng đã tính đến phương án thu nhỏ quy mô lễ hội, giảm số trâu thi đấu từ 32 xuống còn 16 trong các mùa sau. Ông Minh nói, những phương án tình thế chuẩn bị cho vòng chung kết vào ngày 9-8 âm lịch tới cũng đã sẵn sàng và chỉ chờ được “lệnh” cho phép từ Bộ VHTT&DL mà thôi.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên tầm ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại đối với cộng đồng ở Đồ Sơn nữa. Bộ đồng ý lễ hội sẽ tiếp tục được tổ chức, bắt đầu từ vòng chung kết vào 9-8 âm lịch tới, tuy nhiên lễ hội tới đây buộc phải có điều chỉnh cho phù hợp. Phải thay đổi cũng là ý kiến của các chuyên gia đặt ra đối với lễ hội này. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc gay gắt, cần chấn chỉnh ngay các hiện tượng gian dối như bán thịt trâu không tham gia chọi, hay tổ chức bán vé vào lễ hội… TS Trần Hữu Sơn thì cho rằng: “Không thể bỏ qua chuyện Ban tổ chức lễ hội không chỉ bán vé mà còn “tận thu” ở cả đối tượng tham gia lễ hội. Một số chủ trâu phải đóng từ 25-60 triệu đồng cho một suất tham gia chọi. Vì tiền đóng cao, nên các chủ trâu cũng “thổi” giá thịt trâu lên đến 6 triệu đồng/kg”. Những biến tướng thương mại hóa, trục lợi từ lễ hội được cảnh báo phải dẹp bỏ, nếu không muốn làm di sản quốc gia này trở nên méo mó.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: “Giá trị của lễ hội không phụ thuộc vào quy mô lớn nhỏ mà điều căn cốt là phải giữ vững và phát huy được giá trị bản sắc truyền thống.