Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Không bao giờ có ý viết để... làm phim

Không chỉ là tác giả của những cuốn sách bán chạy, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn được nhiều nhà làm phim nhắm tới để hợp tác chuyển thể các tác phẩm văn học sang điện ảnh. Tuy nhiên, ông khẳng định, không thích truyện của mình chuyển thể điện ảnh nhiều quá, ông viết vì độc giả chứ không phải vì khán giả.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi tặng chữ ký độc giả Thủ đô nhân cuốn sách “Làm bạn với bầu trời” ra mắt.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi tặng chữ ký độc giả Thủ đô nhân cuốn sách “Làm bạn với bầu trời” ra mắt.

Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” rất ăn khách, sắp tới bộ phim “Mắt biếc” chuyển thể từ truyện của ông cũng sẽ ra mắt. Ông có kỳ vọng gì không?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (NNA): Khi những bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học của tôi ra mắt, tạo ra được hiệu ứng xã hội, được khán giả yêu thích hoặc tạo ra thêm một món ăn tinh thần gì đó thì tôi vui. Vui là vì từ tác phẩm văn học của mình, từ nguyên liệu đó, đạo diễn làm ra bộ phim tốt. Nhưng tôi không kỳ vọng gì cả, bởi thật ra hai thể loại ấy khác nhau.

Với “Mắt biếc”, cuốn sách này in lần đầu năm 1990, đến nay đã in tới lần thứ 44. Khi đọc “Mắt biếc”, nhiều người nghĩ đây là câu chuyện tình yêu. Nhưng thật ra tôi gửi gắm nhiều hơn câu chuyện tình. Ở đó là câu chuyện của một nhân vật hướng về thành thị, còn một nhân vật hướng về thôn quê. Sở dĩ nhân vật Ngạn bị mang nặng tình cảm với Hà Lan lâu như vậy là do những câu chuyện hồi nhỏ ở quê nhà. Bao nhiêu kỷ niệm như vậy đều gắn với một miền quê cụ thể. Thành ra Hà Lan trong mắt Ngạn gần như là hóa thân của tình yêu xứ sở. Chính vì vậy, tình cảm đó sâu nặng, tình yêu của Ngạn không thoát khỏi cội nguồn quê xứ. Đây không chỉ là chuyện tình cảm đơn thuần. Tôi cũng mong đạo diễn chuyển tải được thông điệp ấy, bên cạnh tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan.

PV: Vậy ông có quan tâm đến việc một bộ phim chuyển thể phải trung thành với tác phẩm văn học không?

NNA: Ồ, không! Làm phim tức là đạo diễn kể lại câu chuyện của mình bằng điện ảnh theo cách kể của họ. Tôi hiểu điều đó và độc giả văn học và khán giả điện ảnh khác nhau không nên lấy chuyện đạo diễn phải trung thành hoàn toàn tới từng chi tiết của tác phẩm gốc làm thước đo. Còn nếu làm phim, đạo diễn cứ bám sát, trung thành tuyệt đối truyện mà phim không hay thì tôi cũng đâu muốn (cười).

PV: Ông có thường đi xem những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình không và có khi nào xem phim, trong ông xuất hiện trạng thái cảm xúc khác nhau, hoặc vui mừng hoặc phẫn nộ trước một chi tiết nào đó?

NNA: (Cười) Phẫn nộ thì không, nhưng buồn chút xíu thì có. Tôi đánh giá đạo diễn cũng như nhà văn, đều là những người hoạt động sáng tạo. Nhưng có những phim, nhất là những phim truyền hình chuyển thể từ truyện của tôi, tôi thấy khác xa tác phẩm, đặc biệt là khác về nhân vật thì cũng buồn chút xíu thôi.

PV: Thế còn với tập “Làm bạn với bầu trời” vừa ra mắt, lần đầu in tới 150.000 bản, ông có nghĩ nó sẽ thành phim điện ảnh?

NNA: Không, khi viết truyện tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ được chuyển thể thành phim. Vì đối tượng của tôi là độc giả chứ không phải khán giả. Mặc dù hiện nay có những tác phẩm tôi đã ký hợp đồng với các nhà làm phim rồi.

Ngoài “Mắt biếc”, nhiều cuốn khác của tôi như “Ngồi khóc trên cây”, “Thiên thần nhỏ của tôi”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”… đã ký hợp đồng chuyển thể. Tôi tự thấy như vậy là nhiều rồi, nên đã từ chối đề nghị hợp tác làm phim với những truyện khác.

PV: Có nguyên do gì khiến ông lại từ chối những đề nghị chuyển thể phim không, trong khi nhiều nhà văn khác mong muốn tác phẩm của mình được chuyển thể, thậm chí có người khi đặt bút viết đã có ý viết sao cho có tính điện ảnh, để dễ hợp tác với các nhà làm phim?

NNA: Thật sự là tôi không thích truyện của mình chuyển thể điện ảnh nhiều quá. Đơn giản là vì nhiều quá thì bão hòa. Tôi muốn các nhà làm phim hợp tác với nhiều nhà văn khác, khai thác nhiều tác phẩm văn học ở các chủ đề khác nhau, để nền điện ảnh được đa dạng.

Còn khi viết mà đã đặt sẵn mục tiêu tác phẩm chuyển thể điện ảnh, thì chẳng thà tôi viết luôn kịch bản phim cho rồi. Hai loại hình có những đặc thù khác nhau. Nếu anh viết cuốn sách mà đặt mục tiêu làm phim thì tự nhiên ngòi bút của mình bị gò bó. Thí dụ trang văn này ta viết độc thoại nội tâm, ta nghĩ nó hay. Nhưng nếu viết để làm phim thì ta phải chú trọng vào việc có hành động gì, hình ảnh gì, giảm bớt độc thoại nội tâm, giảm bớt dòng ý thức. Tự nhiên viết như vậy thì ngòi bút sẽ bị gò bó.

PV: Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh!