Khi thần tượng không cần đạo đức?

Ở nhiều nước, công chúng có thể tẩy chay nghệ sĩ khi dính scandal dù nhỏ, nhưng ở Việt Nam, phải chăng showbiz là một môi trường quá dễ nổi tiếng và dễ sống, chỉ cần một vài câu chuyện đủ sức hút công chúng, bất kể xấu, tốt?

Nhiều nghệ sĩ trẻ hôm nay cần học tập các nghệ sĩ lão thành về sự nghiêm túc cống hiến cho nghề. Ảnh: HOÀNG HOA
Nhiều nghệ sĩ trẻ hôm nay cần học tập các nghệ sĩ lão thành về sự nghiêm túc cống hiến cho nghề. Ảnh: HOÀNG HOA

Thành nghệ sĩ dễ quá!

Một vài giải thưởng nho nhỏ, một gương mặt ưa nhìn, một số tiền bỏ ra, một ai đó hoàn toàn có thể xuất hiện trên mặt báo và trở thành nghệ sĩ. Như trường hợp cô hoa khôi một trường điện ảnh, xuất hiện trên khá nhiều tờ báo. Cuối cùng người ta mới té ngửa là những bài báo đó chỉ để “chào hàng” cho nghề nghiệp chính của cô là gái mại dâm khi bị bắt tại trận đến lần thứ hai với cùng một tội danh. Nhưng những hình ảnh và mỹ từ “diễn viên”, “nghệ sĩ”, cũng như từng có không ít người hâm mộ trên fanpage của cô, thì vẫn còn đó. Cái danh nghệ sĩ, bỗng dưng rẻ mạt đến thảm hại!

Gần đây nhất là một anh chàng ca sĩ chả ai nhớ mặt đặt tên lên báo vì đánh người đi đường. Anh chàng này vài năm nay có chục bận lên báo, nếu không vì nghi án xâm hại tình dục, thì cũng là đánh nhau, gây tai nạn, cùng bảng thành tích hát hội chợ với các ca khúc không biết nên gọi là gì. Có điều, anh chàng này vẫn đắt sô, như một điều không hề xa lạ ở showbiz Việt. Hay một cô hoa hậu nọ, dù lĩnh án tù vì tội môi giới mại dâm, giờ vẫn đang tiếp tục chạy sô sự kiện với cát-sê tăng vọt. Dường như chưa từng có một ranh giới nào đặt ra cho đạo đức các nghệ sĩ. Và gây sốc hay tạo cớ để “ăn chửi” dường như là lựa chọn hàng đầu cho nhiều ê-kíp. Một diễn viên trẻ, mới xuất hiện trong một vai nữ thứ tại một phim truyền hình đang nổi, mặc dù bị đánh giá thấp về khả năng diễn xuất, thì khoe đã kiếm được hơn ba tỷ đồng nhờ “làm nghệ thuật”. Danh tiếng của cô, đến từ những bộ quần áo thiếu vải, và gần đây nhất, từ một bức ảnh giường chiếu với người yêu - không hiểu vô tình hay hữu ý lộ ra ngoài.

Và dường như chẳng ai, đặt ra cái gọi là hình tượng đạo đức của những người nổi tiếng.

Ranh giới nào cho đạo đức nghệ sĩ?

Ca sĩ T.O.P, một thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc tiên phong Kpop Bigbang Hàn Quốc, khi dính scandal dùng cần sa, đã gần như bị tẩy chay ở ngay chính đất nước mình. Mặc dù sự ủng hộ của fan là rất lớn, nhưng sự chỉ trích dành cho chàng ca sĩ trẻ cũng không hề nhẹ, kéo theo đó là trầm cảm, vào bệnh viện vì dùng thuốc quá liều, nhưng điều đó cũng chẳng tránh được việc anh sẽ phải ra tòa mấy ngày tới. Dù phán quyết của tòa án như thế nào, dù lượng fan ủng hộ T.O.P lớn đến đâu, anh cũng không còn cửa xuất hiện trên sóng truyền hình theo một luật bất thành văn. Trước T.O.P, có vô vàn nghệ sĩ Hàn Quốc bị đóng băng trong nước, chỉ vì sứt mẻ hình tượng. Diễn viên Kim Min Hee, với nghi án là người thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình đạo diễn Hong Sang Soo, dù đạt giải thưởng Gấu bạc cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở LHP Berlin danh giá, cô vẫn bị ghẻ lạnh ở quê nhà. Các nhãn hàng cắt hợp đồng quảng cáo, các sự kiện từ chối mời cô. Và đó là luật ở nước họ. Họ cần nghệ sĩ sạch.

Đã trót bước chân vào làng giải trí, trót khoác áo người nổi tiếng, thì trách nhiệm giữ hình tượng sẽ nặng gấp đôi người bình thường. Phải chăng đấy là điều hiển nhiên trên thế giới? Còn ở Việt Nam?