Hướng văn chương về ánh sáng

Trong cuốn truyện ngắn mới nhất - “Tìm bến mục mơ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ), người ta thấy một Nguyễn Quỳnh Trang rất khác. Không còn quá nhiều tâm tư, trăn trở, văn chương của chị luôn hướng về ánh sáng đầy tích cực.

Cuốn truyện của 10 năm

Trở thành tác giả được chú ý và tìm đọc ngay từ tiểu thuyết đầu tay - “1981” và sau đó là “Nhiều cách sống”, độc giả tưởng chừng nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang sẽ mê mẩn trong thế giới đầy cảm xúc của tiểu thuyết. Nhưng rồi họ lại thấy một Trang với bút pháp rất riêng trong cuốn truyện ngắn đầu tay “Cho một hành trình”.

Trang nói, truyện ngắn với chị là sự thể nghiệm về nghệ thuật và bút pháp nên đôi khi không phải ai cũng cảm hết, thấu hết tâm tư của mình. Nhưng cũng chẳng sao bởi khi đặt dấu kết truyện, chị đã giao số phận “đứa con tinh thần” ấy cho người đọc đón nhận, đánh giá, khen chê. Và “Tìm bến mục mơ” cũng vậy. Khác là quá trình thành hình dài hơn, đặc biệt hơn hai cuốn truyện đầu. “Cuốn sách này tôi viết hơn 10 năm mới hoàn thành. 10 năm sống, trải nghiệm, đau khổ và tìm được hạnh phúc. Từ một nhà văn rất cảm xúc, dễ bị tổn thương, giờ tôi đã mạnh mẽ hơn để có thể giải quyết được nhiều khó khăn mà không quá áp lực. Có lẽ, “Tìm bến mục mơ” là cuốn sách tôi chốt lại chặng đường sáng tác truyện ngắn của mình vì sau chừng đó thời gian tôi đã chọn được hướng đi cho mình”, nhà văn chia sẻ.

Hơn 20 truyện được tích góp suốt chặng đường 10 năm làm nghề viết lách như những mảnh ghép tâm hồn thể hiện rõ góc nhìn, tâm tư, suy nghĩ của tác giả. Mỗi truyện như những nhật ký ngắn mà chị muốn dành tặng cho người bạn nào đó của mình. Vậy nên, nhân vật trong mỗi truyện không hoàn toàn là hư cấu, chỉ có cách kể đẹp khiến mọi thứ bay bổng hơn, cuốn hút hơn. Thoáng trong những mảng ký ức đó, là hình bóng của Hà Nội thân thương và cả bối cảnh TP Hồ Chí Minh, nơi tác giả chọn làm nơi dừng chân suốt nhiều năm nay. Truyện của Nguyễn Quỳnh Trang khi buồn, lúc vui, nhưng điểm chung là câu từ rất đẹp, rất riêng và giàu nhạc điệu, nhịp vần. Nhà văn trải lòng: “Cuốn sách này chậm rãi, không nhanh vội hay bức xúc về điều gì nữa cả. Đó là điểm nhìn của tôi trong thời điểm từ 27 tuổi đến bây giờ. Mỗi truyện là một phần cảm xúc, một phần câu chuyện và một phần cuộc đời của chính tôi. Ở đó, tôi hướng người đọc đến sự tích cực, tươi vui bằng nét đẹp từ tư tưởng, tư duy đến cách hành văn”.

Sự chuyển mình trong cảm xúc văn chương

Một trong những nguyên nhân khiến Nguyễn Quỳnh Trang cho ra đời “Tìm bến mục mơ” là chị muốn người thân đọc sách mình nhiều hơn chứ không chỉ là giới nghệ sĩ, văn chương như mọi khi. Luôn tìm kiếm cái mới trong cách biểu đạt nên ngay chính tác giả cũng thừa nhận truyện mình viết khá khó đọc bởi không rõ ràng cốt truyện từ đầu đến cuối, cuồn cuộn cảm xúc và những chuyển biến rất riêng. Lần này truyện hướng về ký ức, về những điều thân thuộc, bình dị mà chị góp nhặt từ cuộc sống của mình và những người thân thương. “Tôi xa Hà Nội đã lâu nên quyết định chọn nơi này làm điểm phát hành đầu tiên của “Tìm bến mục mơ”. Nhờ cuốn sách, tôi kết nối được với mọi người và đón nhận được tình cảm ấm nồng. Khi nhận được lời khen của mọi người, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Với tôi, mỗi cuốn sách ra đời là tình cảm chứ không phải cách để thể hiện khả năng hay gì cả. Đơn giản đó là sự kết nối tình cảm”, nhà văn xúc động khi nói về cuốn sách thứ 10 của mình.

Không riêng gì bút pháp mà cách nghĩ về cuộc đời và sự lan tỏa cảm xúc của Nguyễn Quỳnh Trang cũng đã thay đổi theo từng giai đoạn. Từ sự đau khổ, đổ vỡ đến ám ảnh từ cuốn sách đầu tiên hay không gian chật chội, tâm tư trong cuốn tiểu thuyết thứ hai, càng về sau, sách của Trang càng sáng hơn, nhẹ nhàng hơn. Khi cảm nhận đủ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, chị tìm cách giải thoát cho bản thân và mỗi nhân vật trong truyện hay tiểu thuyết của mình. Từ sau “Mất ký ức” rồi đến “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro”, người đọc cảm nhận rõ nguồn năng lượng tích cực trong từng câu chữ. Mỗi quyển sách như là kết quả cho quá trình vượt qua đau khổ, đón nhận điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Cũng như hai quyển truyện trước kia, “Tìm bến mục mơ” không thể hiện quá nhiều điều, nhưng càng mở ra càng thấy ánh sáng, thứ ánh sáng giúp chúng ta tỉnh ngộ ra nhiều điều vốn bình dị trong cuộc sống. Mỗi câu chữ được chắt lọc kỹ càng trong sách sẽ khiến độc giả nhận ra rằng được sống trên đời đã là niềm hạnh phúc.