Họa sĩ Quách Bắc “rơi vào đường chân trời”

Tại không gian nghệ thuật Manzi Art Space (Hà Nội) đang diễn ra triển lãm tranh “Rơi vào đường chân trời” của Quách Bắc, họa sĩ trẻ đầy triển vọng của thế hệ 8x. Anh chia sẻ với Thời Nay về những tác phẩm phản ánh thân phận con người trong bối cảnh của xã hội hiện đại.

Tác phẩm “Ngắm hoa” tại triển lãm.
Tác phẩm “Ngắm hoa” tại triển lãm.

Phóng viên (PV): Anh có thể nói rõ hơn ý nghĩa tiêu đề “Rơi vào đường chân trời” của triển lãm lần này?

Họa sĩ Quách Bắc (QB): Rơi vào đường chân trời, là hành trình tìm kiếm các hoàn cảnh phi lý trong cuộc sống đô thị đương đại. Các nhân vật của tôi lặng lẽ trong các tư thế khó xử, không thể nào ăn khớp với cái phi lý đang bủa vây họ, cũng không thể nào đào thoát khỏi nó.

Tôi cố gắng thăm dò nỗi sợ hãi và cả những hy vọng thầm kín ẩn bên trong những nhân vật. Tôi sắp xếp các mảnh vụn của cuộc sống, các vấn đề đương đại vào từng tác phẩm nhỏ. Đôi khi chúng trông có vẻ khôi hài, đôi khi xúc động, nhưng bao giờ cũng mập mờ phản ánh suy ngẫm cá nhân về vị trí hoặc mối quan hệ của con người với thế giới bên ngoài. Tôi tạo ra trên mặt toan cảm xúc của không gian trống với đối tượng hữu hình. Hình ảnh, mầu sắc và cách hành xử của nhân vật với nghịch cảnh như thể họ đang ở trên sân khấu. Các hiệu ứng thị giác và tâm lý này làm cho số phận con người hiện lên.

PV: Trong số 18 tác phẩm của triển lãm lần này, tác phẩm nào anh tâm đắc nhất?

QB: Đó là tác phẩm sắp đặt duy nhất tại triển lãm lần này mang tên “Điệu Valse”. Chỉ trong một không gian hết sức hạn hẹp, các nhân vật đến từ quá khứ cứ phải tiếp diễn, lặp lại, chen lấn vào nhau mà chẳng thể can thiệp vào nhau. Mỗi một nhân vật chỉ mang một động tác duy nhất và di chuyển trong không gian của căn phòng, còn chật hẹp hơn nữa, bởi mỗi góc là nội thất và vật phẩm của một quán cafe kiêm art shop tiêu chuẩn chất lượng.

Tôi đã gọi nó là “Valse” như thể để thêm vào những hình ảnh tẻ nhạt và nghiêm trang này một giai điệu. Cái có thể chưa có trong tác phẩm. Như thể muốn nhắn với người xem rằng đừng có phân tích, bình luận hay triết lý như tôi đã làm, mà hãy để mặc cuộc sống trôi đi như nó phải trôi đi như thế. Tất cả những lặp lại và đơn điệu của sự vật và sự việc phải chăng chỉ là những nhịp điệu và giai điệu tự nhiên nhất của cuộc đời?

PV: Một số bức tranh diễn tả con người bị rơi, ngã hay mắc kẹt. Vậy thông điệp mà anh muốn truyền tải cho người xem là gì?

QB: Tôi thường xuyên đề nghị nhiều tình huống trớ trêu trong các sản phẩm của mình. Vì vậy, các nhân vật của tôi luôn được đặt vào những hoàn cảnh không thoải mái, đôi khi bối rối, khó xử, thậm chí là hổ thẹn. Có lẽ ai trong chúng ta đều có những ngày cảm thấy bị mắc kẹt, tôi cũng vậy, tôi muốn kể lại qua các bản vẽ những câu chuyện như thế. Thay vì quên đi tôi lại muốn sử dụng chúng như một chất liệu, mặc dù trông nó có vẻ khó khăn hoặc kém thẩm mỹ.

PV: Là một nghệ sĩ trẻ, anh có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trên con đường hoạt động nghệ thuật hiện nay?

QB: Tôi luôn tin rằng những thế hệ đi trước đã sống nhiều cuộc đời thương khó. So với họ, chúng tôi hôm nay có nhiều điều kiện hơn để không phải mất quá nhiều thời gian mới nhìn thấy thế giới nghệ thuật rộng lớn bên ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi phải đối mặt với dòng chảy thông tin quá lớn trong thế giới liên tục thay đổi. Sự bão hòa của nghệ thuật và thông tin tạo ra các thách thức mới, phải làm sao để đừng đi cùng đường với thế hệ trước? Phải làm sao để có thể được chấp nhận trong khung cảnh bên ngoài mà vẫn giữ được các giá trị thuộc bản chất bên trong…

Trên hết, chúng tôi còn quá trẻ và con đường làm nghệ thuật vẫn còn rất dài. Mong muốn được lao động nghệ thuật chính là niềm đam mê của chúng tôi.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh!