PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan:

Hãy đưa xoan vào cuộc sống nhiều hơn

Nhìn lại hành trình đưa hát xoan ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ đã có những bước đi dài trong bảo tồn và phát huy các giá trị của hát xoan. Thời Nay buổi trò chuyện với PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan về vấn đề này.

Hãy đưa xoan vào cuộc sống nhiều hơn

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong những năm gần đây, Phú Thọ đã phối hợp với các ban, ngành đưa hát xoan vào nhà trường, dạy hát xoan cho các em học sinh. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn hát xoan và mang hát xoan đến gần hơn với cộng đồng?

PGS Đặng Hoành Loan (ĐHL): Tôi thấy giải pháp của tỉnh Phú Thọ với hát xoan là một điển hình của sự thành công. Bởi đó là một kỷ lục được chính cộng đồng kiểm chứng. Sau khi hát xoan được vinh danh và chuyển đổi danh sách, trong quá trình ấy Phú Thọ đã làm được rất nhiều việc. Họ đã làm từ những công việc thực tế nhất là giá trị bảo tồn, lưu truyền hát xoan cả mặt nghệ thuật và văn hóa trong đời sống của con người đương đại.

Bên cạnh đó, Phú Thọ đã bỏ ra rất nhiều kinh phí! Điều này có thể minh chứng ở việc thứ nhất là để phục dựng lại miếu Lãi Lèng, là nhà hát nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam. Phú Thọ cũng đã phục dựng được các không gian trình diễn nghệ thuật.

Việc thứ hai là đưa nghệ thuật hát xoan vào dạy trong các trường phổ thông của toàn tỉnh. Điều này có nhiều người cho rằng là không cần thiết, nhưng mà riêng tôi thì tôi đánh giá rất cao công việc này vì nếu không cho người dân hiện đại biết hát thế nào, múa thế nào thì làm sao mà bảo tồn được? Làm sao có người xem, có người gìn giữ. Thế mà muốn xem, muốn gìn giữ thì việc dạy cho lớp trẻ là tốt nhất.

PV: Vậy còn việc gắn kết hát xoan với du lịch. Ông đánh giá như thế nào về việc quảng bá hát xoan song hành với du lịch địa phương của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua?

ĐHL: Tôi đã họp một số lần với các đồng chí tổ chức tour du lịch Việt Nam, thì tóm lại vấn đề đó là ở sự khéo léo kết hợp giữa cái lợi nhuận của du lịch với lợi nhuận của các tour. Nhưng hiện nay ta lại chưa làm được điều đó. Tour làm kiểu của tour, tổ chức làm kiểu của tổ chức, dân làm kiểu dân. Tất cả các tour du lịch văn hóa truyền thống của chúng ta hiện nay mới chỉ ăn vào sông núi, đình đền chứ chưa ăn vào văn hóa truyền thống. Du khách chỉ đến các điểm xem khung đền, xem núi đẹp thôi chứ đi vào nghệ thuật truyền thống và đó là việc mà chúng ta chưa làm được và nếu có làm thì làm chưa tốt. Việc tổ chức đưa hát xoan vào du lịch là làm chưa tốt, chúng ta đang cứng quá.

Cái cuối cùng chốt lại là khả năng thuyết phục khách du lịch bằng văn hóa, bằng văn học. Phải nói rằng chúng ta chưa có những người hướng dẫn gây ra hấp dẫn. Ở Phú Thọ có rất nhiều cái đẹp, có rất nhiều câu chuyện lịch sử hay nhưng không có ai có đủ hiểu biết để giới thiệu nó. Các trường du lịch cũng không dạy và đây là một thách thức của xã hội đương thời vì quá lâu rồi chúng ta bỏ rơi cái văn hóa truyền thống.

PV: Khi hát xoan đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ cũng đã có một chiến lược gần như là “phổ cập” hát xoan. Tuy nhiên, theo ý kiến của các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia lúc đó cho rằng không nên phổ cập hát xoan như vậy, vì nó sẽ mất bản sắc và làm ảnh hưởng đến chính các cộng đồng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

ĐHL: Thứ nhất, phải xem lại về quan niệm thế nào là giá trị của hát xoan. Nếu quan niệm nó là hát xoan ở trong không gian thờ cúng, chỉ đề hát thờ Vua Hùng thôi thì trình diễn ngoài không gian hát thờ vua là không đúng. Thứ hai, nếu nhìn từ mặt nghệ thuật học thì trong hát xoan đã hình thành những nghệ thuật âm nhạc độc lập và những tác phẩm âm nhạc độc lập ấy có thể đưa ra để hát ở ngoài đời. Có thể đưa toàn bộ nghệ thuật âm nhạc ấy vào cuộc sống của con người hiện đại, thậm chí là thêm âm nhạc vào cho nó vui tai, tùy vào các hình thức nghệ thuật trong hát xoan mà ứng dụng vào đời sống âm nhạc.

Còn cách hát thờ ở các phường xoan họ vẫn giữ nguyên, các đào kép ở các phường xoan, các thế hệ từ già đến trẻ họ vẫn giữ nguyên, và cứ đến Tết người ta lại hát đúng quy cách. Còn người ta bốc những bài hát người ta đưa vào cuộc đời để cho khán giả biết, đó là việc làm tốt, và tôi tán thành việc làm này của Phú Thọ. Hát xoan mang tính cộng đồng rất cao, tôi chỉ tiếc là hát xoan chưa thêm âm nhạc vào, phối lại để nó phổ biến hơn, dễ nghe hơn, hấp dẫn hơn. Hoặc là Phú Thọ có thể kết hợp xoan với Nõ Nường, kết hợp xoan với Trống Quân, có rất nhiều cái để đưa du khách tới, đến đây thì cần phải có một sự hiểu biết thấu đáo để đưa ra chiến lược và phát triển nó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!