Góp phần ươm mầm những tài năng

Ấn phẩm Áo Trắng vừa kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập. Với thế hệ 7x, 8x, khi công nghệ thông tin chưa phổ biến như hiện nay, những tờ báo dành cho tuổi học trò là món ăn tinh thần đáng mong đợi của cả một thời đi học. Tờ Áo Trắng chuyên về văn chương, đã tạo nên một không gian thơ văn cuốn hút cho những người viết trẻ thể hiện bản thân, từng bước đi đến ước mơ của mình.

Các nhà văn, nhà thơ, tác giả trong lễ kỷ niệm 30 năm ấn phẩm “Áo Trắng”.
Các nhà văn, nhà thơ, tác giả trong lễ kỷ niệm 30 năm ấn phẩm “Áo Trắng”.

1. Ấn phẩm Áo Trắng đi được một chặng đường khá dài, từ công lao và tình yêu văn chương của nhà văn Đoàn Thạch Biền khi quyết tâm giữ cho được tờ báo, giữ tâm huyết mà mình gây dựng trước bao sóng gió vì không có kinh phí hoạt động. Mọi người yêu thương và đặt cho nhà văn biệt danh là “ông Biền Áo Trắng”. Nhà văn Nguyễn Đông Thức nói vui: “Thiệt tình thấy thương ông Đoàn Thạch Biền gì đâu! Chưa thấy ai yêu ai lâu như ông yêu Áo Trắng. 30 năm, bao nhiêu năm nước chảy qua cầu, bao nhiêu người đã bước qua chiếc cầu Áo Trắng đi vào thánh địa văn chương. Riêng ông vẫn ngồi đó, tay run mắt mờ, cặm cụi sửa chữa từng bài viết của các mầm non văn chương vô danh. Sự nghiệp của cả đời ông! Nhiều khi thấy ông hơi khùng nhưng thôi kệ!”.

Áo Trắng là ấn phẩm của NXB Tuổi Trẻ, nơi góp phần ươm mầm cho những cây viết trẻ trưởng thành. Có thể kể tên những nhà văn, nhà thơ gắn liền tên tuổi với Áo Trắng những ngày đầu như: Từ Kế Tường, Mai Hữu Phước, Nguyễn Tấn On, Tạ Văn Sĩ... Và những nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ tờ Áo Trắng như: Phạm Nguyên Tường, nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và là “cựu” trưởng gia đình Áo Trắng Huế, Nguyễn Thanh Xuân (Trưởng gia đình Áo Trắng Quy Nhơn), Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Đinh Lê Vũ, Nguyễn Quảng Hà... Rồi các lớp nối tiếp sau như Ngô Thị Thanh Vân, Lê Minh Vũ, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê, Đặng Thiên Sơn, Hà Đình Nguyên, Khánh Liên, Lê Đức Đồng, Lê Thị Kim Sơn, Tống Phước Bảo, Lữ Hồng...

Nhà thơ Đinh Lê Vũ chia sẻ một vài kỷ niệm về ấn phẩm Áo Trắng: “Mình có cái may mắn là được đọc Áo Trắng ngay từ những số đầu tiên và chừng vài năm sau, có bài viết đăng trên Áo Trắng. Thoạt tiên là những bài thơ dịch nghĩa từ tiếng Anh qua tiếng Việt, tiếp đến là thơ, rồi sau đó là truyện ngắn, những truyện ngắn đầu tiên. Áo Trắng làm cho mình tin là mình cũng có chút xíu khả năng viết lách và niềm tin đó đã giúp mình kiên trì theo đuổi việc viết lách, cho đến bây giờ. Cũng chính Áo Trắng lần đầu tiên giới thiệu mình là cây viết trẻ trên một số Áo Trắng Xuân rất lâu rồi”.

2. 30 năm, khoảng thời gian, những cây viết trẻ không còn trẻ. Có người trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo chuyên nghiệp, có người rẽ sang lối khác. Nhưng thời Áo Trắng tươi đẹp sẽ là kỷ niệm quý giá  suốt đời, giúp mọi người sống đẹp hơn. Đó là niềm cảm kích chung của nhiều người từng có “duyên nợ” với Áo Trắng. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn chia sẻ: “Bài thơ đầu tay của tôi được in trên Áo Trắng  cách nay đã gần 20 năm. Và cũng chính đó đã tiếp cho tôi động lực men theo con đường văn chương cho đến giờ. Tôi nghĩ nếu không có tờ Áo Trắng nâng đỡ cho tôi những bài thơ đầu đời, có khi tôi đã rẽ sang một con đường khác”. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn ấn tượng nhất là những lần sinh hoạt gia đình Áo Trắng, anh được gặp rất nhiều bạn bè văn chương. Có lần Đặng Thiên Sơn và nhà văn Đoàn Thạch Biền về Thanh Hóa thăm Thành Nhà Hồ, anh không mang theo nón, trời lại nắng. “Anh Biền la tôi, rồi anh ghé vào cửa hàng mua tặng tôi chiếc nón, đến giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã quan tâm đến chúng tôi cả trong đời sống và sáng tác. Điều ấy khiến chúng tôi ngày càng cố gắng hơn để không phụ lòng trông đợi của anh”, Đặng Thiên Sơn bộc bạch. Đáp lại những tình cảm của Áo Trắng và nhà văn Đoàn Thạch Biền, gần 10 năm qua, Đặng Thiên Sơn đã đảm nhận vai trò trưởng gia đình Áo Trắng Hà Nội, kết nối những bạn viết trẻ phía bắc với ấn phẩm và qua đó cũng đã phát hiện, ươm mầm được nhiều tài năng mới.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã bước qua tuổi 73, ông bị bệnh Alzheimer nhẹ, lúc nhớ lúc quên, nên đã chủ động xin nghỉ làm biên tập cho tờ Áo Trắng và trao lại trọng trách cũng như ước mơ của mình cho người kế nhiệm - nhà thơ Trần Hoàng Nhân. Nhà văn Đoàn Thạch Biền đã chia sẻ: “Tờ báo Áo Trắng đã tạo ra được một sân chơi cho các bạn trẻ yêu thích văn chương. Nhiều bạn trong số đó đã thành danh với các tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Tôi chia tay Áo Trắng khi mình còn nhớ mới ý nghĩa, còn khi mình đã rơi vào cõi quên rồi sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa”. 

Dù cho “Ông Biền Áo Trắng” không còn làm biên tập Áo Trắng nữa, nhưng tên của ông sẽ gắn mãi trên chặng đường 40, 50 năm và hơn nữa về sau cho những ai yêu văn chương và luôn mong muốn ấn phẩm Áo Trắng sẽ tiếp tục phát triển và chắp cánh cho những ước mơ bay cao.