Gia đình bốn thế hệ hát chèo

Đó là gia đình Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Hoàng Hởi ở thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Hiện, ông cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo Lê Hồ vẫn tích cực gây dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật, giúp nghệ thuật chèo ở vùng quê lúa luôn có sức sống.

Ông Hởi (bên trái) và các con tập hát.
Ông Hởi (bên trái) và các con tập hát.

Cho chèo thêm sức sống

Căn nhà của NNƯT Hoàng Hởi luôn có khách và ngân nga câu hát bởi đây là một trong những địa điểm họp bàn, tập vở của các thành viên CLB chèo Lê Hồ. Điều đặc biệt, hiện con trai, con gái, cháu nội của ông Hởi đều biết hát chèo.

Ông Hởi kể rằng, mẹ ông, bố ông đều là những người biết hát chèo, nhưng bà cô họ Nguyễn Thị Đại mới nắm vững kỹ thuật hát điêu luyện và đã dạy cho ông Hởi nhiều làn điệu cổ và cách diễn vai chèo cổ. “Từ năm 1955, lúc đó mới chín tuổi, tôi được dạy hát, học nhạc lý và từ đó tham gia hoạt động đội chèo của xã, biểu diễn các vở chèo ngắn phục vụ cho địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, như các vở “Đi đôi ngả”, “Con trâu hai nhà”, “Bụi tre gai”, “Gặp gỡ nàng tiên”, “Câu thơ thêu dở”… Năm 1963, tôi tham gia hội diễn các đội văn nghệ không chuyên của tỉnh và đã đạt giải nhất vở “Cô đội trưởng”. Thời bấy giờ chưa có huy chương chỉ có giải nhất, nhì, ba”.

Năm 1966, ông Hởi nhập ngũ, phục vụ trong quân đội và là hạt nhân văn nghệ của đơn vị. Trong chiến trường, ông tham gia tích cực và sáng tác những bài hát chèo động viên tinh thần chiến đấu cho đồng đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về địa phương lao động, sản xuất và tiếp tục phát triển nghệ thuật chèo ở quê nhà. Cũng phải nói thêm, từ năm 1986, nghệ thuật chèo ở nhiều làng chèo tại Hà Nam Ninh (khi chưa tái lập tỉnh) bị rơi vào thoái trào. Nhiều làng chèo gần như không hoạt động. Ông Hởi tâm sự: “Tuy thế, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì làng chèo. Cụ trùm Bách khi đó là chủ nhiệm, vẫn vực chèo và tiếng hát chèo vẫn vang ngân trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của dân tộc… Chúng tôi vẫn được mời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, huyện, địa phương”.

Năm 1997, tái lập tỉnh Hà Nam, UBND huyện Kim Bảng thành lập CLB hát dân ca và chèo Kim Bảng do ông Phạm Ngọc Hùng làm chủ nhiệm, ông Hởi được giao giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm CLB phụ trách biên tập và đạo diễn, truyền dạy. CLB gồm các hạt nhân văn nghệ ưu tú của các xã trong huyện, gồm 30 thành viên. Với nhiệt huyết của các nghệ sĩ, nghệ thuật chèo ở Kim Bảng đã phát triển hơn. “Từ năm 2003 đến nay, được sự tín nhiệm của của các cấp lãnh đạo, sự yêu mến của nhân dân, tôi đã được giao chủ nhiệm CLB, kiêm đạo diễn, viết kịch bản và dạy hát cho các lứa tuổi và các đối tượng yêu thích môn nghệ thuật chèo. Tôi cũng kiêm Chủ nhiệm CLB chèo Lê Hồ, cho đến năm 2010 thì công việc đó giao cho bà Nguyễn Thị Sao”, ông Hởi cho hay.

Cả nhà yêu chèo

Người dân thôn Phương Thượng yêu chèo. Đó là điều có thể giúp chèo sống bền bỉ, thậm chí thanh niên ngày nay cũng có thể hát say sưa. Hiện, CLB chèo Lê Hồ có 20 thành viên, trong đó con trai và con gái ông Hởi là anh Hoàng Minh Phúc và chị Hoàng Thị Uyên. Từ lâu họ đã trở thành những diễn viên chính không thể thiếu của CLB. Cháu nội ông Hởi, con gái anh Phúc hiện đang học lớp 12, cũng giỏi chèo và được kỳ vọng sau này sẽ là thế hệ tiếp nối truyền thống của đất chèo Lê Hồ. 

Anh Hoàng Văn Phúc chia sẻ: “Các thành viên trong CLB chèo luôn được bố tôi động viên, khích lệ. Mỗi người đảm nhiệm một vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Người biết nhạc lý nhận vai làm nhạc công, người biết hát là diễn viên, ai có năng khiếu, sở trường về múa được phân công làm diễn viên múa. Vì coi nhau như người trong gia đình, nên mỗi khi tập luyện hay biểu diễn, việc góp ý, chỉnh sửa về điệu hát, cách diễn xuất được dễ dàng hơn. Mỗi thành viên đều biết tiếp thu, tự điều chỉnh và thay đổi mình để mỗi làn điệu chèo được cất lên, mỗi trích đoạn chèo được trình diễn sẽ thêm phần hấp dẫn…”.

Đã thành nếp, cứ vào mỗi dịp cuối tuần, gia đình NNƯT Hoàng Hởi lại cùng nhau quây quần bên chiếc trống, cây đàn để luyện tập các làn điệu chèo cổ của quê hương. Các thế hệ ông, con, cháu miệt mài truyền dạy, học cách nhả chữ, ngắt nhịp, luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy. Họ cứ say mê như thế, mang trọn trong tim tình yêu với hát chèo như thế và đã cùng với những thành viên CLB chèo Lê Hồ nhận về không ít trái ngọt. Đó là Huy chương bạc cho tác phẩm “Đất chuyển” tại Liên hoan hát chèo không chuyên toàn quốc, giải ba với một tác phẩm về đề tài nông nghiệp - nông thôn trong Hội thi Liên minh Hợp tác xã cụm miền bắc, hai giải bạc cho hai tác phẩm “Mùa lúa ơn Bác” và “Hát mừng Đảng quang vinh tại Liên hoan các CLB dân ca và chèo tỉnh Hà Nam. CLB có một tổ hợp đầy đủ đạo diễn, diễn viên, biên kịch và nhạc công nên thường xuyên được mời đi biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sao, Chủ nhiệm CLB chèo Lê Hồ, chia sẻ: “Người dân chúng tôi gọi nghệ sĩ Hoàng Hởi là “đạo diễn nhà nông”. Suốt mấy chục năm gắn bó, vực dậy và nuôi dưỡng chiếu chèo quê hương. Giờ đã hơn 70 tuổi nhưng chưa khi nào người “đạo diễn nhà nông” này ngơi nghỉ”.