Duyên tranh “Họa sĩ và người mẫu”

Tôi vẫn luôn nhớ và tự nhắc sẽ phải viết đôi điều về chị - người mà tôi từng chịu ơn với biết bao ân tình trong suốt bốn năm theo học khoa Văn Tổng hợp Hà Nội ngày ấy (1975 - 1979). Chị là nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng Như Tâm - “Giai nhân khoa Ngữ Văn” khóa 20 của chúng tôi ngày ấy.

Tác giả Trương Nhuận (đứng) cùng vợ họa sĩ Trọng Kiệm và con cháu nghệ sĩ Như Tâm bên bức tranh nổi tiếng. Ảnh: TL
Tác giả Trương Nhuận (đứng) cùng vợ họa sĩ Trọng Kiệm và con cháu nghệ sĩ Như Tâm bên bức tranh nổi tiếng. Ảnh: TL

Xuất xứ một tác phẩm nổi tiếng

Chị chính là người đẹp nguyên mẫu với gương mặt thanh tú, đôi mắt nâu to, hàng mi cong vút, nụ cười tươi tắn thùy mị trong bức vẽ nổi tiếng “Họa sĩ và người mẫu” của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1934 - 1991), hiện vẫn được gia đình họa sĩ lưu giữ đến bây giờ, dù nhiều nhà sưu tập, bảo tàng trong và ngoài nước mong có tác phẩm này suốt mấy chục năm qua.

Tôi nhớ đôi lần tình cờ gặp gỡ ở nhà thầy Văn Tâm nhân những lúc có cuộc đàm đạo về văn chương giữa các bậc cha chú như cụ Tô Hoài, họa sĩ Trọng Kiệm..., cô Cam vợ thầy Văn Tâm thường hay kêu chị Như Tâm đến trợ giúp tiếp khách. Một lần tình cờ, bỗng dưng họa sĩ Trọng Kiệm dường như thấy ở Như Tâm dáng yêu kiều với vẻ tươi tắn đầy nét Hà Nội xưa thanh lịch. Họa sĩ đã ngỏ ý xin được vẽ ký họa chân dung chị.

Vậy là, ngoài các buổi sáng lên lớp, một tuần chị Như Tâm chỉ còn hai buổi chiều nhận lời đến nhà cụ Văn Tâm ngồi làm mẫu vẽ cho họa sĩ Trọng Kiệm. Dạo ấy, chị đang ở chung với mẹ chồng ở phố Hàng Than, bà cụ là người rất phúc hậu và thương cảm con dâu nuôi con vất vả xa chồng. Để cho cụ yên tâm, mỗi bận đi đâu chị đều đèo theo con gái đi cùng, kể cả ra thư viện hay đi chợ.

Hằng tuần tôi đến tận nhà chị ở phố Hàng Than, đạp xe chở chị với lý do đi gặp thầy giáo hướng dẫn làm luận văn mà thật ra là để ngồi làm mẫu vẽ chân dung cho cụ Trọng Kiệm. Cuối giờ khi nắng đã sắp tàn, tôi lại đèo chị về nhà để bà cụ mẹ chồng yên tâm, đâu như chị vướng bận độ hai, ba tuần gì đó thì mới xong bức chân dung khổ nhỏ.

Khi tốt nghiệp, chị Như Tâm được phân công về làm giảng viên Mỹ học ở Trường ĐH Văn hóa. Năm 1986, họa sĩ Trọng Kiệm chợt nảy ra ý định vẽ bức tranh sơn dầu khổ lớn “Họa sĩ và người mẫu” khi ông tình cờ gặp lại chị thường đến Trường ĐH Văn hóa để giảng dạy, ngay gần xưởng vẽ của mình trong Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Bức tranh sơn dầu khổ lớn “Họa sĩ và người mẫu” sau này là một trong 10 tác phẩm nổi tiếng ở hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước của họa sĩ Trọng Kiệm. Theo lời họa sĩ Nguyễn Trần Minh, con trai của họa sĩ Trọng Kiệm, chị Như Tâm là một người mẫu vẽ đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đặc biệt được cha anh dành sự ưu ái trong từng nét bút ở bức tranh này, như chính ông muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm với niềm khát vọng của người nghệ sĩ hằng vươn tới cái đẹp hoàn mỹ. Và mặc dù rất ít khi tự vẽ chân dung mình sau bao nhiêu năm làm nghệ thuật, vậy mà họa sĩ Trọng Kiệm đột nhiên chọn một góc nhìn thật lạ về ông, khi bỗng đưa hình ảnh mình vào tác phẩm.

Hai năm sau ngày đến xưởng vẽ của họa sĩ Trọng Kiệm làm mẫu cho bức tranh, gia đình chị Như Tâm chuyển vào nam công tác với công việc mới tại Saigonconcert. Thật đau xót khi một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hai vợ chồng chị vào ngày 28-6-1988.

Niềm trân quý của những người ở lại

Năm ngoái, tôi được biết bức tranh vẫn còn đang được lưu giữ tại nhà họa sĩ Trần Minh ở Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Tôi xin được đến thăm, nhìn lại tác phẩm nổi tiếng ấy. Trò chuyện với họa sĩ Trần Minh và cụ Mẫn mẹ anh, tôi được anh rất quý mến chia sẻ cả một vài phác họa còn sót lại về hình ảnh chị Như Tâm. Một tối, tôi bất chợt nhận được cú điện thoại của họa sĩ Trần Minh, gọi qua nhà, để mẹ của anh tặng cho một bức phác họa hình chị Như Tâm làm kỷ niệm! Cảm động khi chính tay cụ Mẫn - vợ họa sĩ Trọng Kiệm - run run chậm rãi nắn nót viết từng dòng: “Thân quý tặng anh Trương Nhuận! MẪN”.

Bất chợt một tối, tôi nhận được điện thoại của cháu Như Trâm là con chị Như Tâm, ngỏ ý muốn tôi dẫn cả gia đình hai chị em Như Trâm và Hoàng Trung đến tận nhà cụ Trọng Kiệm, mong được chiêm ngưỡng bức tranh vẽ chân dung mẹ mình. Tôi xin phép đưa các cháu đến chơi thăm gia đình cụ Mẫn. Cụ trò chuyện, hỏi han các cháu rất nhiều. Cụ kể lại về chị Như Tâm lúc ấy, “nom cao ráo đẹp đẽ, duyên dáng, miệng cười tươi tắn như hoa nở, dáng đi nhanh nhẹn, đến ngồi gần một tuần làm mẫu cho ông nhà tôi vẽ. Tôi biết là ông ấy quý cô lắm!”.

Từ trong sâu xa tâm nguyện, tôi đã có nhã ý ngay hôm được gia đình họa sĩ Trọng Kiệm trao tặng bức ký họa phác thảo chân dung chị Như Tâm, sẽ dành tặng lại cho các con chị để lưu giữ kỷ niệm về mẹ ở bức tranh của một danh họa. Sau hôm đến nhà cụ Mẫn, tôi mời các cháu đến nhà mình để trao tặng bức ký họa mà tôi đã được gia đình cụ Mẫn tặng. Nhìn nụ cười, ánh mắt rạng rỡ của các cháu, tâm trạng tôi thật vui và nhẹ nhàng, như vừa có chuyến đưa ai đi đâu xa trở lại...