Đắm say tuổi xế chiều

Nếu ai đó có dịp đi qua phố Hào Nam, Hà Nội (đoạn gần Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thấy một người đàn ông trạc tuổi 80 đi xe đạp, người mập mạp, tóc bạc trắng, đeo kính dày cộp, đặc biệt đôi mắt mặc dù có dị tật bên trái nhưng luôn ánh lên sự lạc quan, mộng mơ với cuộc đời, người đó chính là nhạc sĩ Đinh Quang Hợp.

Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp (giữa).
Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp (giữa).

1. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp từng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 với tác phẩm thanh xướng kịch “Lửa và hoa” (gồm 14 bài hát) và hai ca khúc “Tiếng hát sông Lam”, “Nhịp cầu sông Mã”. Nếu được nghe và cảm nhận ba tác phẩm này của ông sẽ thấy hiện lên ba vùng đất anh hùng, kiên cường, bất khuất, đó là Tây Nguyên, Nghệ An và Thanh Hóa. Trong đó, cùng với ca khúc “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của nhạc sĩ Tân Huyền thì “Tiếng hát sông Lam” được nhiều người dân xứ Nghệ gọi vui là “tỉnh ca” của Nghệ An. Sự lan tỏa của ca khúc ấy cũng khiến nhiều người nghĩ rằng, cũng giống như nhạc sĩ Tân Huyền, Đinh Quang Hợp phải là người con xứ Nghệ, phải được thấm đẫm văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.

Vậy nhưng, hôm nay trong tiết mưa xuân, được “hầu chuyện” nhạc sĩ Đinh Quang Hợp tại tư gia, tôi mới biết những “mặc định” trước ấy là không chính xác. Bởi lẽ, ông sinh ra ở cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nhờ nguồn nuôi dưỡng của vùng đất có truyền thống âm nhạc với những điệu chèo và dân ca đồng bằng Bắc Bộ cùng với quá trình chiến đấu trên đất nước Triệu Voi, được cảm nhận những giá trị tinh túy của dân ca Lào, ông sớm có tình yêu và có một kiến thức khá dày dặn với dân ca. Để rồi, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cử ông và các sinh viên khác đi thực tập tại Nghệ An trong thời gian ít ỏi, ông sáng tác được những ca từ da diết, đầy triết lý trong ca khúc “Tiếng hát sông Lam”.

2. Miên man theo dòng ký ức của những câu chuyện xưa cũ, ông nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ những năm tháng đang học tập dưới mái trường Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bulgaria) (từ năm 1969 - 1972). Khi ấy tình hình trong nước rất căng thẳng, quân và dân ta đang phải “căng mình” chống trả những trận tập kích đẫm máu của đế quốc Mỹ, bởi thế, lứa sinh viên đi học với ông như ca sĩ Tân Nhân, nhạc sĩ Xuân Tứ… đều cảm thấy trọng trách trên vai rất lớn. Ông có bài tốt nghiệp “Cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại” gồm bốn chương (“Niềm tin bất tử”, “Những phút suy tưởng”, “Vượt sóng biển và núi cao”, “Bão lửa cách mạng”) và được nhà trường biểu diễn hai chương đầu.

Chính những kiến thức được học tập tại đất nước Bulgaria mà khi về nước, Đinh Quang Hợp đã mạnh dạn sáng tác mảng khí nhạc, bởi theo ông quan niệm là người giảng dạy, nghiên cứu về âm nhạc bác học nên luôn muốn viết những tác phẩm lớn, mang dấu ấn lịch sử và để lại cho thế hệ con cháu mai sau. Đó có thể kể đến như thanh xướng kịch “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” kể về dã sử Vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về đất Thăng Long, tác phẩm khí nhạc bản Sonate cho piano “Nước xoáy”, bản Sonate cho violon và piano “Cô gái đất dừa”, bản Sonate cho piano “Khúc tùy hứng Ê Đê” và đặc biệt tính đến nay ông đã có sáu tác phẩm giao hưởng, một vở nhạc kịch opera viết về đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển mang tên “Biển sống mãi trong tôi”.

3. Đã vào tuổi 85 nhưng ông vẫn chưa hết đắm say với âm nhạc và cuộc đời. Ông nói mình chỉ dừng viết những tác phẩm lớn, còn ca khúc vẫn sản xuất cơm ăn hằng ngày. Đặc biệt trong ca khúc người nghe vẫn thấy một Đinh Quang Hợp trẻ trung, bay bổng, vô tư, yêu đời như một chàng trai tuổi mới lớn mà có thể chỉ cần đạp xe ngoài đường nhìn thấy một cô gái đẹp hay một hình ảnh đầy nhân văn, lãng mạn có thể làm ông xao xuyến và “bật” ngay được ý nhạc. Điều đó lý giải cho một số ca khúc của ông như: “Nhật ký chiều xuân”, “Ánh mắt vào đời”, “Tìm em trong câu hát”…

Có được thành công trong sự nghiệp âm nhạc, Đinh Quang Hợp cũng thầm cảm ơn người vợ hiền, là cô giáo dạy văn - sử một thời ở trường cấp hai Thịnh Hào. Chính bà là người đầu tiên đọc, góp ý những ca từ trong bản thảo ca khúc của ông. Gần 50 năm trước, cô gái Hà thành đã lọt vào “mắt xanh” của chàng trai cố đô, chàng cũng không ngần ngại mời nàng đi xem ca nhạc rồi tỏ tình: “Anh hơn em 10 tuổi, không biết là em có tìm thấy ở nhạc sĩ cái gì hay hay không?”. Lúc ấy nàng đã 26 tuổi, và đã thẳng thắn đáp: “Nếu không hay thì em không ngồi nói chuyện thế này”. Vậy là họ cùng nắm tay nhau đi suốt 47 năm, để rồi giờ đây khi hai người đã không còn trẻ nữa nhưng vẫn khiến giới trẻ phát “ghen” khi gọi nhau là anh em ngọt ngào.