Chọn niềm hạnh phúc

Với họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, niềm đam mê mỹ thuật như một duyên lành, đến và ở lại. Mang niềm mến yêu hội họa từ những ngày thơ bé, đến khi, hội họa chọn anh như chính anh chọn cho mình niềm hạnh phúc sáng tác mỗi ngày.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha.
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha.

Kéo dài tuổi thọ tranh lụa

“Cuộc sống của tôi, chưa khi nào buồn”, anh cười và nói với tôi như thế. Đó là câu chuyện đầu xuân, vào một ngày Đà Nẵng bình yên với mưa xuân và cơn lạnh cuối mùa sót lại. “Trong cuộc sống và trong sáng tác, với tôi, không có nỗi buồn. Nói thì ít người tin, nhưng khi tâm tĩnh tại và tập trung sáng tác, cũng như mỗi ngày mình thức dậy, cảm nhận được hơi thở cuộc sống luôn tràn ngập trong mọi ngõ ngách tâm hồn. Thời gian sống hãy sống thật đầy năng lượng. Có người đùa, chưa buồn là chưa thể có tác phẩm mỹ thuật đỉnh cao, nhưng mình nghĩ, giá trị của một tác phẩm hội họa, cốt nhất là tấm chân tình người nghệ sĩ đã hóa giải vào trong đó. Đã “hòa sắc” bảng màu đời thực và bảng màu nghệ thuật” - đó là tâm sự của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha.

Tốt nghiệp đại học Nghệ thuật Huế năm 1993. Hành trình để anh mến yêu mỹ thuật và theo đuổi giấc mơ làm chủ cảm xúc trên cây cọ - đúng như người ta thường nói, không có con đường nào thành công mà không phải trải qua chông gai, thử thách. Thay đổi nhiều công việc nhưng hình như mối duyên lành với tranh, đã giúp anh theo đuổi giấc mơ trở thành một người họa sĩ. Từ bức tranh đầu tiên anh vẽ về tuổi thơ hồn hậu, đến bây giờ, khi đã thể nghiệm và thành công trên nhiều loại chất liệu, mảng đề tài lụa, sơn mài, sơn dầu, acrylic…, anh vẫn giữ cho riêng mình lối sáng tác chắt chiu từng mạch nguồn rung cảm trước vẻ đẹp của cuộc đời. Yêu lụa và tâm huyết với tranh lụa. Nét độc đáo trong tranh lụa của anh đó là ở cách “bồi” và nhờ thế, tuổi thọ của tranh lụa có thể kéo dài hơn, bền hơn. Học hỏi kinh nghiệm “bồi” tranh của các thế hệ họa sĩ lớp trước, cùng với sự nghiêm túc trong nghệ thuật với nhiều nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2000, anh bắt đầu nghiên cứu từ chất liệu lụa, đặc biệt lụa tơ tằm, đến cách pha màu và ngay sau đó thực nghiệm lên tranh với tác phẩm tranh lụa “Đồng dao” - đề tài tuổi thơ.

Đây là tác phẩm đầu tiên của anh đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001.

Thức thời và tâm huyết

Hồ Đình Nam Kha nhận định, một người họa sĩ thành công phải hội tụ đủ hai yếu tố song song, một là phải bán tranh được, hai phải có giải thưởng. Nghĩa là tranh phải được thẩm định và tranh phải được quần chúng yêu mến hội họa, mỹ thuật thích, quan tâm, mua. Với anh, những thành công vẫn còn phía trước và hiện tại, anh chú trọng việc “nâng cấp” tác phẩm không chỉ ở chất liệu, mầu sắc, mà tạo được phong cách riêng. Hơn hết, “đọc vị” được xu hướng của giới sưu tập, không phải tất cả tranh sáng tác anh đều bán đi.

Chăm chút cho từng tác phẩm bằng tất cả thời gian và độ lắng của cảm xúc. Vừa giảng dạy mỹ thuật, vừa hoạt động hội chuyên ngành, vừa liên tục tổ chức các trại sáng tác mỹ thuật thiếu nhi, các đợt vận động sáng tác mỹ thuật cho anh em hội viên…, họa sĩ Hồ Đinh Nam Kha không ngần ngại khi nói rằng: “Người họa sĩ phải luôn tiếp nhận, luôn mở cửa trái tim mình để tiếp nhận nguồn năng lượng mới. Quan sát và học hỏi, thu nhận cho mình thêm nhiều kinh nghiệm. Tôi không ngại việc học hỏi từ các bạn trẻ, vì đó là cách tự hoàn thiện bản thân mình”. Hồ Đình Nam Kha cũng rất “mát tay” với các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ tại Đà Nẵng. Với những không gian mở trong các cuộc họp, tổng kết đến các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, đến triển lãm, anh đều bỏ không ít thời gian và tâm sức. Nhiều anh em họa sĩ trẻ “bật mí” rằng, nhiều cuộc, nhiều chương trình vì quá khó khăn nên anh Kha đã tự bỏ kinh phí để tổ chức trọn vẹn. Sự tiếp nối các thế hệ đã giúp hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng sôi động, có sức sống.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha sinh năm 1966, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1997 đến nay, anh đã có tranh tham gia nhiều triển lãm trong nước, quốc tế, giành được nhiều giải thưởng T.Ư, địa phương. Anh có tranh sưu tập tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.