Vượt lên cách nghĩ của thời đại

Cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi (NXB Phụ nữ, 2021) của nhà văn Lê Phương Liên kể về cuộc đời Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), một nữ lưu kiệt xuất nước Nam, từ khi nàng còn là một thiếu nữ trăng tròn lẻ cho đến lúc người vĩnh viễn ra đi ở tuổi 44, giữa lúc tài năng đang 
độ chín. 

Vượt lên cách nghĩ của thời đại

Đọc Nữ sĩ thời gió bụi, người đọc gặp một cô Điểm vượt qua mẫu hình người đàn bà thời phong kiến. Nàng học rộng, tài cao, thơ hay, chí lớn, thạo cả nho y lý số, lại còn biết võ nghệ. Một mình gánh ba trọng trách: một nhà văn, một phụ nữ, một nhà giáo dục mà vai nào cũng thật sự xuất sắc. Nữ sĩ họ Đoàn vốn xinh đẹp đoan trang nhưng khác tính nữ nhi thường tình, nàng là người có bản lĩnh từ nhỏ đã được cha cho theo học võ nghệ. Vượt lên cách nghĩ của thời đại mình đang hiện hữu, cô Điểm sớm tự ý thức được giá trị của mình, “Nàng biết rằng nàng đang có một của báu trong tay đó là chính mình”.

Trong tiểu thuyết, Đoàn Thị Điểm không nổi loạn, không chệch chuẩn, mà đàng hoàng khẳng định sự bình đẳng, vị thế, quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được yêu bằng nội lực của một người phụ nữ. 17 tuổi cô Điểm đã từ chối ảo tưởng “vinh hoa” không chịu nhập cung Phủ Chúa. Tuy không một lời tuyên ngôn về nữ quyền nhưng tài đức của cô thiếu nữ đã khiến vị đại quan như thượng thư Lê Anh Tuấn phải nể trọng: “Thiếu nữ vừa chạm tuổi mười bảy này không có cái kiểu cúi đầu e thẹn như một vài cô gái mới vào chầu cung vua phủ chúa”.

Theo ngòi bút của Lê Phương Liên, nhân vật Đoàn Thị Điểm vốn đã quen thuộc qua một số giai thoại lưu truyền trong dã sử, đã trở thành một nhân vật sinh động. Để làm sống lại một nhân vật lịch sử, chị đã sử dụng linh hoạt nhiều thủ pháp nghệ thuật. Chẳng hạn để miêu tả sinh hoạt văn hóa tao nhã của người xưa, tác giả đã có 28 lần đưa thơ phú, câu đối chữ nho vào trang sách. Tác giả đã sử dụng khá nhiều từ cổ kính, trang trọng đạt vào đúng văn cảnh: nội tẩm, bảo trọng, lão gia, lão trượng, khải cáo lễ nghi, đại hạnh, gia nội, lương duyên… Ngôn ngữ dân gian ca dao, tục ngữ, thành ngữ, giai thoại được sử dụng linh hoạt như tả người “chân cò tay vượn”, tả cảnh ngộ “trai thất nội trợ, gái lỡ nhân duyên là đại bất hạnh”, tả tâm lý con người “hôn nhân điền thổ/vạn cổ thâm thù…”.

Là một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi, Lê Phương Liên thường chọn cách trở về với những ký ức ánh sáng nên văn của chị thường trong trẻo, giản dị. Nhưng lần này để viết về bà Điểm, bên cạnh sự trong trẻo, văn chị còn toát lên một sự trang trọng, sang trọng của trí tuệ. Cuộc dạ du lãng mạn trong đêm trên con thuyền nơi mặt hồ Tây thơ mộng giữa các bậc kỳ tài của làng văn lúc bấy giờ là Hồng Hà nữ sĩ, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác… Những đoạn tả tình cảm vợ chồng Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm… là những sáng tạo rất thuyết phục trong cuốn tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi. Nhờ thế mà bức chân dung nữ sĩ họ Đoàn đã được phát lộ, tôn vinh và phát triển theo hướng toàn bích. Dĩ nhiên phần hư cấu còn khiêm tốn dè dặt nên nhân vật có vẻ vẫn chưa được lạ hóa và chất tiểu thuyết còn chưa được đậm đà sắc sảo.

Tác phẩm đã đánh dấu một bước tiến mới trên con đường sự nghiệp của nữ nhà văn Lê Phương Liên mà chúng ta yêu quý!