Ví còn mộng mị gió giăng

“Bấm chân qua tuổi dại khờ/Vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian”. Nhiều đồng nghiệp của Cao Xuân Sơn hẳn còn nhớ, sau khi “Chuông lá” (tập thơ in năm 1999) ngân lên, anh lặn một hơi dằng dặc dài, như “cuộc cờ thế gian” đã bứt anh ra khỏi thơ. Sự thật không phải vậy, thế gian với những “mê hồn trận” vẫn ngày ngày bồi đắp nên thơ anh. Để đúng dịp chộn rộn cuối năm vừa rồi, thơ anh “công khai” trở lại, gây không ít ngạc nhiên và hứng khởi cho bạn bè, đồng nghiệp và độc giả, với “Bấm chân qua tuổi dại khờ”, NXB Hội Nhà văn.

Ví còn mộng mị gió giăng

Thì ra, bao năm qua, giữa những rộn ràng hình thức và nô nức thi ca hiện đại, Cao Xuân Sơn vẫn điềm tĩnh thủy chung với lối thơ riêng mình. Thơ tròn và đầy. Tròn tình và đầy mỹ cảm. Hơn nữa là ngôn ngữ giàu nhạc tính, thi ảnh. Ngôn ngữ ấy đến từ đâu? Từ vốn dân gian của ông bà tràn qua, quyện với đời sống đương đại. Cảm giác như Cao Xuân Sơn viết không cần chút nỗ lực nào. Nhưng thật ra là chưng - cất - chữ. Chưng cất mà tự nhiên.

Hãy nghe Cao Xuân Sơn nói với tim mình: “Và sự thật chẳng còn gì để nói/nếu ngày mai không đến, hỡi mặt trời/có thể sẽ hụt hơi, tuyệt tích vì đắm đuối/trái tim à, mặc kệ, cứ yêu thôi...”; rồi anh thảng thốt “sao ai gặp ngoài đường cũng nhang nhác, hao hao? kìa nhợt nhạt hình nhân, nhễ nhại rô bốt/em có nhận ra anh?/em đấy hay ai khác”; anh giật mình “Đường trần thực đến lơ mơ/nhìn dâu biếc lá thương xơ xác tằm/không ngậm ngải, cứ tìm trầm/kể chi được mất trăm năm trò đùa...”; anh dặn dò con gái “Lớn rồi, giờ nào việc đó/chẳng cứ đi thưa về trình/nhưng chớ bao giờ tắt máy/bố hay nhớ bất thình lình”…

“Bấm chân qua tuổi dại khờ” là đầu sách thứ 16 của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Ở tập thơ này, mật độ những câu thơ/khổ thơ có thể đứng độc lập, để đọc lên hoặc dẫn ra, là không ít, nên dẫn câu thơ này lại thấy có lỗi với câu kia. Chi bằng, ở không gian nào đó, bên bập bùng ánh lửa hay ấm vàng ánh điện một ngày xuân, bỏ mặc ngoài kia ngược xuôi xô bồ, ta lật giở một trang bất kỳ. Và đọc. Hẳn cả trời thương nhớ/yêu sẽ theo về. Ấy là khi con chữ và rung cảm của Cao Xuân Sơn đã chạm/hòa vào ta rồi vậy. Và bởi vậy, tôi vẫn cứ mong anh “ví còn mộng mị gió giăng” để “thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ!”.