Vẻ đẹp bên trong

Tập truyện ngắn “Ngụ ngôn tháng Tư” (NXB Dân trí, 2019) là tác phẩm mới nhất của Trần Thị Tú Ngọc, cho thấy những bước đi khá vững của một cây bút giàu đam mê. So các tác giả trẻ khác, Trần Thị Tú Ngọc bắt đầu viết ở độ tuổi muộn hơn một chút. Nhưng vốn là một cô giáo, Tú Ngọc rất chịu khó đọc, rèn giũa cho mình lối viết kỹ càng.

Vẻ đẹp bên trong

“Ngụ ngôn tháng Tư” có 14 truyện ngắn, tập trung vào ba mảng đề tài chính. Đó là mảng lịch sử với các truyện ngắn khá dày dặn như “Chiều Cổ Loa nổi gió”, “Sầu thiên thu”, “Giấc mơ người xa xứ”, “Hoa nơi viễn xứ”…; mảng hơi thở cuộc sống đương đại với các truyện ngắn trẻ trung, lôi cuốn “Để gió cuốn đi”, “Đi về phía chân trời”, “Chiếc Porsche mầu ánh bạc”, “Ảo ảnh đêm”, “Lung linh như nước”...; mảng hiện thực kỳ ảo với không khí liêu trai của “Mộng hồ ly” và “Sói đỏ núi Ba Đầu”.

Truyện “Sói đỏ núi Ba Đầu” là những thước phim quay chậm về cuộc sống của người vùng cao với những tục lệ, ứng nhân xử thế, chống chọi với ác thú. “Chiều Cổ Loa nổi gió” bắt đầu bằng câu chuyện khai quật các di chỉ khảo cổ, tác giả đưa bạn đọc trở về với nước Âu Lạc thuở xưa với những giải mã lịch sử đầy ấn tượng. Truyện ngắn “Biển gọi” viết về Hải đội Hoàng Sa - tên gọi chung của đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn lập ra từ thế kỷ 17. Truyện gợi nhắc về tinh thần tự lực, tự cường, bám biển, giữ vững từng tấc đất của tổ tiên để lại.

Tiêu biểu nhất trong tập này chính là truyện ngắn “Ngụ ngôn tháng Tư”, một câu chuyện chạm đến trái tim đã được lựa chọn đặt tiêu đề cho tập sách. Mượn hành trình đi tìm “bông súng đỏ” của một người lính để lồng ghép về những ám ảnh hậu chiến, những mất mát chiến tranh ẩn trong tâm khảm người đang sống, những định kiến, những thổn thức trong không gian man mác miền sông nước.

Tác giả cho rằng, chị mới chỉ đặt những bước chân đầu tiên trên con đường viết văn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đã cố gắng phát triển đa dạng đề tài. Chị nói: “Mỗi trang giấy trắng mở ra là một cánh cửa mới, tôi không đóng khung mình trong một đề tài, một lối viết hay một trường phái nào mà cố gắng mở rộng biên độ sáng tác theo nhiều hướng khác nhau. Có những thể nghiệm thành công bước đầu để lại dấu ấn và cũng có những thể nghiệm chưa đạt được như mong muốn”.

Trong tập truyện “Ngụ ngôn tháng Tư”, tác giả như một người kể chuyện lặng lẽ, hóa thân vào nhân vật với chiều sâu nội tâm phong phú để dẫn dắt người đọc đi tới những điều bất ngờ thú vị và khám phá thêm những nét đẹp bên trong tâm hồn mỗi con người, dù là chuyện lịch sử hay chuyện đương đại thì vẻ đẹp tâm hồn con người luôn cần được trân trọng, nâng niu. Đồng thời, tác giả luôn ý thức phản ánh hiện thực đời sống xã hội vào trong các trang viết của mình nhưng hiện thực ấy được đặt dưới cái nhìn nhiều chiều, không gượng ép, không khuôn mẫu.

Con đường văn chương nhiều trở trăn vất vả. Nhưng viết văn là tự nguyện dấn thân, người viết sẽ tìm thấy niềm vui lặng lẽ của mình qua từng trang sách.