Trang sách tri ân người anh hùng

“Sống mãi trên quê hương anh hùng” (NXB Quân đội nhân dân, 2021) là cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký, về cuộc đời của một người anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang - hình ảnh đại diện cho một thế hệ thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho hòa bình, thống nhất của dân tộc...

Trang sách tri ân người anh hùng

Cuốn sách được thể hiện dưới ngòi bút của hai tác giả: Bình Nguyên Trang và Nguyễn Bá Thuyết khá sinh động… Nguyễn Kim Vang sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tại xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt và giống như bao thiếu niên Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ, cậu bé sớm nung nấu trong lòng những ý tưởng cao đẹp, phải học tập, rèn luyện, chiến đấu để bảo vệ quê hương. Nền tảng gia đình, đặc biệt là người cha Nguyễn Lựu, cũng là một người lính can trường đã từng vào sinh ra tử nuôi dưỡng trong các con của ông, đặc biệt là Nguyễn Kim Vang, một tình cảm sâu sắc, một tấm lòng chung thủy với cách mạng, một ý chí mạnh mẽ quyết chiến đấu để giành cho được độc lập, thống nhất đất nước. Dưới sự định hướng của người cha, Nguyễn Kim Vang sớm được đưa ra miền bắc khi tuổi còn nhỏ, được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trải qua nhiều năm tháng thử thách trui rèn trong các môi trường chiến đấu khác nhau, để cuối cùng trở về miền nam và lập những chiến công lớn cho đến khi hy sinh ngày 26-2-1972… 

Các tác giả cuốn sách đã cố gắng đi tìm lại dấu chân của người anh hùng, từ khi sinh ra tại miền quê giàu truyền thống yêu nước, đến những năm tháng học ở trường học sinh miền nam ở Hải Phòng, rồi trở thành sĩ quan biên phòng, đi chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới Việt - Lào, rồi lên biên cương Cốc Lếu - Lào Cai, đặc biệt hành trình vượt con đường Trường Sơn huyền thoại, băng qua mưa bom bão đạn để trở về miền nam làm nhiệm vụ cách mạng. Mỗi bước chân của người anh hùng được kể lại sinh động nhờ việc các tác giả đã “chịu khó”, dành nhiều thời gian đi và gặp những nhân chứng - những người cùng thời đã sống và chiến đấu với Nguyễn Kim Vang, cùng với việc tìm kiếm và nghiên cứu tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau. 

Chọn thể loại truyện ký để thể hiện lại câu chuyện là cách làm khôn ngoan của các tác giả. Ở đó họ vừa có thể bám vào các chi tiết về cuộc đời nhân vật, trên những tư liệu lịch sử cụ thể, lại vừa có thể phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình để cho đời sống nhân vật được dày dặn hơn, thuyết phục hơn. Những trang viết về những năm tháng tiễu phỉ ở Nghệ An, những ngày “mưa dầm cơm vắt” vượt Trường Sơn, mối tình đầu với người nữ biệt động và đặc biệt là sự hy sinh của người anh hùng trên mảnh đất quê hương là những trang viết thật sự xúc động trái tim người đọc. “Sống mãi trên quê hương anh hùng” mang giá trị văn học sâu sắc nhờ những trang viết cảm động như vậy. Các tác giả đã bằng cả tình yêu, sự trân trọng, lòng biết ơn của mình để dựng lại chân dung một người anh hùng, đã kiên gan bền chí, không ngại hy sinh gian khổ, không tiếc máu xương cho hòa bình độc lập của dân tộc…