Tràn trề biến ảo

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà mới ra mắt tập truyện ngắn mới, “Hoàng mộc hương” (Sbooks và NXB Hội Nhà văn), đậm đặc vấn đề thiện lương, nhân bản con người, sự chuyển dịch, sự kết nối kiếp cõi thông qua thế giới thực và thế giới huyền ảo. 

Tràn trề biến ảo

Có truyện chị viết vào đúng thời điểm đại dịch Covid-19 đang căng thẳng. Chị muốn nói, ở thế giới phẳng này có những thứ khác vẫn đang tồn tại quanh chúng ta. Những thứ đó rất minh bạch, đòi hỏi con người sống thật với chính mình, đòi hỏi con người bớt đi phần ác, để sống đúng nghĩa chân, thiện, mỹ.

“Hoàng mộc hương nở hoa”, truyện ngắn mở đầu cuốn sách có không gian mang mang, huyền hoặc với “sương mù bảng lảng khắp triền núi”, cuốn độc giả vào câu chuyện về cô gái bị chồng ruồng bỏ, gặp lại người yêu trong tiền kiếp hiện đang là thầy thuốc... Hay với “Đoạn trường thảo kiêu hãnh”, tác giả đã xoáy ngòi bút vào tận đáy bi kịch đớn đau của những cô gái “hồng nhan bạc phận”, cảm giác thứ mực để nhà văn viết ra câu chuyện này là sự kết tinh của máu và nước mắt. Ở “Biên ải”, thiên nhiên hiểm trở, ngút ngàn phóng chiếu thứ “ánh sáng thiên lương” để những kẻ buôn người xuyên quốc gia tìm được chút - lương - thiện - còn - sót - lại khi cứu một con khỉ mắc kẹt dưới khe đá sâu. Đến với “Đỉnh Tuấn Mã”, thiên nhiên u huyền, mê mị lại giúp nhân vật chính ngộ ra: “hạnh phúc đã từng nhỏ những giọt nước mắt dịu dàng gần kề bên tôi”.

Mảng đề tài nổi bật khác trong cuốn sách này là những trang viết về hậu chiến. “Bên thềm gạch cũ”, truyện ngắn đoạt giải B Hội Liên hiệp VHNT TP Hà Nội năm 2019 là câu chuyện giản dị và xúc động về bà mẹ già có những người con trai là liệt sĩ, vẫn lặng thầm sống với những hoài niệm hình nỗi đau âm ỉ. Khai thác từ một điểm nhìn ngược lại, “Những bức thư gửi từ biển” là những tâm sự thiết tha của linh hồn người lính đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, luôn hướng trái tim về phía gia đình nơi quê nhà với tình yêu cồn cào, khắc khoải. 

Bút pháp của Võ Thị Xuân Hà tạo khối không gian đa chiều, làm cho người đọc phải tập trung vào các dòng chữ, rồi phải suy ngẫm, phải đọc chậm. Để nhận ra những tầng nghĩa cốt truyện. Trong lời bình về truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng: “Chúng tôi tâm đắc với ý, cho rằng, “sự biến ảo” làm nên màu sắc của nhà văn này, người đã sớm biết đầu tư chiều sâu và dài lâu cho “thể loại nhỏ”. Thiết nghĩ, đánh dấu độ chín của cây bút nữ này, có thể nói là thuộc số ít “trụ hạng” được với truyện ngắn. Chúng tôi có cảm giác nguồn lực truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà lúc nào cũng dồi dào, hình như chỉ có viết, chị mới giải phóng được năng lượng sống lúc nào cũng như đầy ứa, tràn trề”.