Thông điệp của cánh đồng

Là một cô giáo dạy văn ở xứ Đông (Cẩm Giàng, Hải Dương) nhưng bản năng sáng tác trong Nguyễn Thu Hằng đã bộc lộ từ rất sớm và ngày càng “chín” dần theo thời gian.

Thông điệp của cánh đồng

Không chỉ khẳng định mình qua nhiều lần đạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác và những tập truyện viết về biển đảo (“Bám biển”, “Đảo thức”), viết cho thiếu nhi (“Cánh thư bay”, “Thì thầm cùng giọt sương”, “Mật thư trên ngọn đa”) mà chị còn để lại ấn tượng đặc biệt với độc giả qua những truyện ngắn viết về đề tài nông thôn trong tập truyện “Cánh đồng xa xăm” (NXB Thanh niên).

Làng quê Việt Nam với những người nông dân một nắng hai sương, tảo tần, lam lũ và lấp lánh vẻ đẹp của tình người đã trở thành mảnh đất màu mỡ mà nhiều nhà văn đã “cày xới” thành công. Nhưng những năm gần đây, văn học Việt Nam thưa vắng tác phẩm gây tiếng vang về mảng đề tài này. Vì vậy, với tập truyện “Cánh đồng xa xăm”, người đọc sẽ không khỏi giật mình trước những trang viết hấp dẫn, đầy cuốn hút về làng quê vốn yên bình bỗng đổi thay chóng mặt trong quá trình xây dựng nông thôn mới được tác giả nắm bắt và phản ánh chân thực, sinh động (“Cánh đồng xa xăm”, “Ngàn dâu”…). Những truyện ngắn đó được kể, được dựng bởi một người sinh ra và gắn bó máu thịt với làng quê mình. Cách dẫn truyện rất tự nhiên, lôi cuốn, tạo được “đỉnh” để độc giả vỡ òa cảm xúc, thỏa mãn những hồi hộp, băn khoăn hoặc bâng khuâng, suy ngẫm (“Mùa rươi”, “Kỳ mộc”, “Cắn chỉ”…).

Nguyễn Thu Hằng quan tâm đến số phận cá nhân trong những cảnh huống nhiều éo le, đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn kém may mắn, dám vượt lên trên thành trì định kiến của làng quê để bộc lộ khát khao rất con người (“Trăng rơi”). Những va đập thường nhật trong đời sống gia đình hiện đại khiến không ít người trở nên sa ngã, thậm chí tha hóa về lối sống đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người cần phải tránh cái xấu xa, cái tầm thường (“Cắn chỉ”). Những tình cảm trong sáng, những giá trị cốt lõi trong đời sống tinh thần của người dân quê cần được trân trọng (“Kỳ mộc”, “Lồng chim cu gáy”…).

Trong nhiều truyện, tác giả đã khám phá phần bản năng và cả phần “người” trong các nhân vật của mình. Luân lý xưa nay không thể đưa ra lời răn xác đáng nào cho việc phải làm sao để không trơ lỳ về mặt cảm xúc khi phải dìm sâu, dìm chặt cái phần bản năng trong mỗi người, nhưng tập truyện cũng cảnh tỉnh về những cám dỗ tầm thường, trước lối sống thực dụng có thể bào mòn nhân cách. 19 truyện ngắn là những cảnh đời khác nhau nhưng truyện nào cũng ẩn chứa tâm tư, khắc khoải của người viết.