Quá một như không

Có lẽ, cá tính thơ của Trần Hưng đã toát lên ngay từ tên tập “Quá một như không” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Lặng lẽ gắn bó với thơ ca nhiều chục năm qua, nhưng vừa qua nhà thơ Trần Hưng mới xuất bản tập thơ đầu tay với 48 bài, được chia làm hai phần có tên: phần một và phần không.

Quá một như không

Chất phiêu bồng, lãng đãng và tài hoa của anh được thể hiện từ ngày tham gia CLB thơ Bách khoa nổi tiếng những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, tới dấu ấn khắc họa địa danh từ Tứ Kỳ Hải Dương, đến Hà Nội hay ngược vùng cao Yên Bái, Lạng Sơn… Hình ảnh mọi người dễ bắt gặp nhất về Trần Hưng là khi anh đang trên đường loanh quanh phố xá, chu du vùng miền nào đó, hoặc yên lặng trầm ngâm.

Chỉ qua những câu thơ ngắn, Trần Hưng đã gọi ra được vẻ đẹp sông núi, con người đa dạng trong dáng vẻ, âm sắc nơi mình ghé qua: “còi tàu kéo riết ga Yên Bái/Thác Bà thả xuống ngực miền xuôi/xa nhau sông núi thăng bằng lại/răng khểnh còn kênh một góc trời” (Yên Bái); “sỏi ôm tiếng guốc đi nằm/Thăng Long thong thả nghìn năm vỉa hè/có người nheo mắt chua me/ném ta quả sấu xanh lè ban mai” (Tuổi); “em gấp tàu bay giấy/phóng lên trời Từ Liêm/lâu rồi anh vẫn thấy/có mảnh trăng lưỡi liềm” (Tàu bay giấy). 

Thân phận con người lấm láp trong cuộc mưu sinh, dịch chuyển, qua thơ Trần Hưng cũng đầy chất lãng du. Chẳng hạn, nghề xe ôm trong “Xe ôm ca”: “phong phanh xuân tím môi chì/có về Gia Lộc Tứ Kỳ không em/về đâu má lúm đồng tiền/xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh”; “năm trơn tháng xóc ngày lầy/đời như đất cát bắn đầy áo mưa”. Đặc biệt, thơ anh luôn bảo toàn được nét mộc mạc, trong trẻo và dí dỏm trước cuộc đời. Dường như, nhờ thế mà ngay cả khi thi sĩ viết về cải đắng, về một cuốc xe cọc cạch leo núi băng rừng cũng rất thăng hoa: “ô bàn cờ mặt đất/rau cải đắng ai trồng/núi như là con tốt/mất khi vừa sang sông/nào ai thua ai thắng/rau cải đắng không tàn/còn con xe cọc cạch/chở vị đời lang thang” (Cải đắng Lạng Sơn).

Chậm rãi, từ tốn quan sát và tích lũy, luôn biết ơn cuộc đời từ những điều nhỏ nhất là thái độ sống tác động đáng kể trong thơ Trần Hưng. Đôi khi, đó là sự nhắc nhớ về món nợ thân quen mà dễ quên: “à quên ta nợ điếu cày/một đường lông ngỗng một cây tre ngà” (Điếu cày quán nét), cũng có lúc lại giãi bày về dấu ấn thời công nghệ số: “ước gì net hiểu cho com/lượt like này đã bao gồm tình yêu” (Online). 

Đi cho hết nỗi phiêu bồng của “Quá một như không”, người đọc lại chạm vào sự bình dị, lắng sâu mang dáng hình quê hương, Tổ quốc: “bình yên quân phục treo tường/khơi xa căng một cánh buồm ngư dân” (Lính cũ).