Những trang viết rung động về thiên nhiên

Cuốn sách tập hợp 39 bài viết dưới dạng tạp bút, chủ yếu về sông suối và môi trường thiên nhiên, chứa đựng tâm hồn, cảm xúc và những suy nghiệm sâu sắc của tác giả về thế giới và con người. Tình cảm chan hòa trong mỗi câu chuyện bình dị, thân thuộc, được phóng bút đến những miền xa của kỷ niệm mơ tưởng và thức tỉnh lương tri con người.

Những trang viết rung động về thiên nhiên

Nguyễn Văn Học đi nhiều, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, đó không đơn thuần là sự dịch chuyển không gian địa lý từ làng ra phố hay từ phố về làng; mà đó là hành trình tự vấn, truy tìm cái tôi bản ngã, cái tôi vốn bị va đập và chịu nhiều hệ lụy bởi sự chuyển biến của thời cuộc. Nhà văn đưa chúng ta trở về với những ký ức ngọt ngào, thơ mộng, nơi ấy anh đã nâng niu mỗi khoảnh khắc chuyển dời tế vi của thế giới, trân trọng từng rung động diệu vợi, mênh mang trong tâm hồn như thể đó là một phần không thể thiếu để anh được - là - chính - mình. Anh ngụp lặn trong suối nguồn thiên nhiên, hấp thụ truyền thống lịch sử, văn hóa, uống bầu sữa ấm nóng, nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, hòa mình vào đời sống sinh hoạt, lao động của người dân; bằng khát khao và sự trải nghiệm của bản thân, anh đã phục hiện bức tranh thiên nhiên, văn hóa, cuộc sống con người chân thật, sinh động, giàu sức ám gợi.

Không chỉ là những ghi chép tản mạn về cảm xúc, về thiên nhiên, cuộc sống và con người…, cuốn sách nhỏ này hóa ra mà một tác phẩm dung chứa nhiều câu chuyện lớn lao trong thời hiện đại, giữa một thế giới ngổn ngang và vô cùng phức tạp. Nguyễn Văn Học chạm đến vấn đề sâu xa khi bước ra từ thời kỳ hỗn mang đến cuộc sống văn minh (từ làng ra phố, từ quá khứ đến hiện đại): mối quan hệ máu thịt của con người với thiên nhiên. Từ những câu chuyện rất nhỏ, rất gần của chính anh và những người chung quanh; từ những hình ảnh thân thuộc, bình dị trong đời sống người Việt tự bao đời, tác giả lặn sâu, lắng nghe tiếng nói sinh tồn, sinh tử, những bài học diệu kỳ của thiên nhiên. Nhà văn đã chỉ ra sự thực dụng, vô cảm của con người với cuộc sống hiện đại; và quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi, tha hóa, tổn thương mối quan hệ giữa con người với người Mẹ thiên nhiên. Anh xót xa khi nhìn những dòng sông bị hủy diệt, đau đớn nhận ra sự biến mất của muôn loài, âu lo khi chứng kiến cơn thịnh nộ của thiên nhiên…

Từ đó, nhà văn đã truyền đi một thông điệp giản dị, sâu sắc về sự vĩ đại của người Mẹ tự nhiên, về mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội, hoang dã - văn minh, muôn loài - con người, hôm qua - hôm nay. Qua đó nhắn nhủ với con người hiện đại đang ngày càng trở nên kiêu ngạo trước tự nhiên: hãy học cách trân trọng và giữ gìn môi trường tự nhiên, bầu khí quyển văn hóa.

Viết về những điều bình dị, thân thuộc bằng niềm giao cảm tinh tế, cùng giọng văn nhỏ nhẹ, từ tốn, nhưng ráo riết, quyết liệt, Nguyễn Văn Học không chỉ giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ; thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần; mà còn phải thổn thức, khắc khoải, thức tỉnh lương tri con người: “hãy biết lắng nghe và yêu sông như sông đã yêu người. Cuộc sống cần lắm sự cộng sinh, mà tự sông không thể thắp xanh cuộc đời nếu con người ở bên ngoài sự cộng sinh ấy”.

(“Mình ơi anh cưới dòng sông nhé?”, Nguyễn Văn Học, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2018).