Những trang văn công phu

Còn nhiều điều cần làm rõ thêm từ lĩnh vực lịch sử, liên quan đến chiến công lừng lẫy của Ngô Quyền - đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 - như quê quán của ngài, quá trình trưởng thành, hay cuộc đời và sự nghiệp của những tên tuổi khác trước, cùng thời. Nhưng những cứ liệu sau này, có lẽ, sẽ càng làm sáng lên khí thế quật khởi khi người Việt qua nghìn năm Bắc thuộc, vùng lên xây nền độc lập, mà Ngô Quyền là một tiêu biểu.

Những trang văn công phu

Tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai đã “bám đuổi” trung thành với tinh thần ấy. Qua các giai đoạn của công cuộc chống Bắc thuộc, bắt đầu từ cuộc dấy binh của Dương Đình Nghệ, qua từng hồi với những diễn biến cụ thể của mưu kế, của những màn đối thoại, của những trận đánh, và nhiều thời khắc biểu cảm của thái độ, ý chí, tâm trạng các nhân vật, tác giả luôn tập trung vào việc tái hiện và chứng minh cho xu thế của lịch sử. Đó là những vận động từng bước, tích tiểu thành đại, cộng ít thành nhiều, góp gió thành bão để người Việt nghìn năm trước phá tung ách đô hộ, khẳng định đanh thép vai trò làm chủ đất mình.

Từ những cuộc góp binh lương, rèn lực lượng vùng Hoan - Ái, Đằng Châu, Đỗ Động Giang, Phong Châu đến những cuộc hội quân hướng về La thành. Từ những cuộc gặp gỡ ban đầu giữa các dũng tướng, đến sự hội tụ mưu trí các thủ lĩnh Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc…, đến sự hợp sức quân tướng một lòng làm nên thắng lợi những cuộc chiến đốt trại giặc, phá cầu phao, vây hãm thành trì, phá tan quân tiếp viện. Lại đến cuộc quy tụ lòng người căm phẫn hợp công truy bắt phản tặc Kiều Công Tiễn. Và đỉnh cao là cuộc vận động “người người lớp lớp” những vũ khí, tài sản, những voi ngựa, chiến thuyền, lòng dân muôn mối tụ về, thậm chí cả sự chuyển động kỳ vĩ và linh thiêng của sông núi, thiên nhiên, hợp lực làm nên chiến thắng oanh liệt, khiến cửa biển Bạch Đằng thành nơi thảm bại của giặc xâm lược, và hình ảnh cọc nhọn nhô lên trong sức nước thủy triều, còn là niềm tự hào của quân ta, cũng là nỗi ám ảnh của giặc xâm lăng đến muôn đời.

“Chạy” từng vệt chuyện như thế, tác giả cùng người đọc “lướt” bằng sự mạnh mẽ của ngôn từ trong lời ăn tiếng nói nhân vật, nét sinh động trong miêu tả hành động nhân vật và diễn biến các trận đánh, vẻ hăng say, nhiệt huyết trong khí thế, tinh thần được toát ra qua những diễn biến. Những trang văn vừa cho thấy sự công phu của một nhà văn cần mẫn, hăm hở khai thác tư liệu làm nghề, vừa hào hứng với mảng đề tài lịch sử chiến tranh và các vương triều nước Việt, cùng những nhân vật lịch sử trong quá khứ nhưng tên tuổi còn sáng đến hôm nay.

Hào sảng và mộc mạc, gần gũi mà thiêng liêng, cụ thể lại giàu sức tưởng tượng và không thiếu sự lãng mạn, tiểu thuyết “Ngô Vương” của Phùng Văn Khai có thể còn là gợi mở hay cho nghệ thuật biểu diễn, sân khấu, điện ảnh khi tái hiện lịch sử giữ nước quật cường.

(Tiểu thuyết lịch sử “Ngô Vương”, Phùng Văn Khai, NXB Văn học 2019).