Những thứ cần học cho tuổi trẻ

“... Cuộc đời của cháu là của cháu. Tất cả những gì cháu trải qua đều là do cháu chịu trách nhiệm... nếu cháu có suy nghĩ, thôi cứ làm theo như người ta nói để đạt được cái gì đó thì cháu đã đánh mất chính mình rồi”. Đó là lời dạy của một ông lái xe với một cậu bé 17 tuổi bỏ nhà đi vì sĩ diện với bạn bè trong tiểu thuyết “Chúng ta sẽ còn gặp lại” của nhà văn Yasushi Kitagawa (dịch giả Khánh Nguyễn, NXB Văn học).

Những thứ cần học cho tuổi trẻ

Yasushi Kitagawa là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản, anh sinh năm 1970 tại Tokyo nhưng lớn lên ở Saijo thuộc tỉnh Ehime. Cuốn tiểu thuyết “Chúng ta sẽ còn gặp lại” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của anh viết về tuổi trẻ đặc biệt dành cho những bạn trẻ tuổi teen đang chập chững bước vào đời.

“Chúng ta sẽ còn gặp lại” là cuộc phiêu lưu của một cậu thiếu niên 17 tuổi Akizuki Kazuya sống ở một tỉnh lẻ hẻo lánh của Nhật Bản đến Tokyo, trong một lần lỡ mồm tuyên bố với bạn bè mình đã đến Tokyo thăm Công viên Disneyland mà thực ra là cậu trai này chưa bao giờ đặt chân đến thủ đô một mình. Vì quyết tâm thể hiện bản thân mà cậu đã đặt mua vé máy bay đến Tokyo để chụp ảnh tại Công viên Disneyland vượt qua cả nghìn cây số để rồi lỡ chuyến bay quay về nhà và phải đi ở nhờ nhà của những người mà cậu không quen biết. Chuyến phiêu lưu ở Tokyo đã giúp Kazuya có nhiều cuộc gặp gỡ vừa là tình cờ lại vừa là duyên số với những người xa lạ.

Chuyến đi của cậu không phải là cuộc phiêu lưu kỳ thú như trong truyện cổ tích mà đó là một cuộc phiêu lưu cần thiết và phù hợp với bản thân cậu, đó là cuộc phiêu lưu rất tự nhiên mà cũng hợp lý. Với mỗi con người mà cậu trai trẻ tuổi gặp, họ đều dạy cho cậu những bài học vô cùng quý giá mà chẳng có sách vở hay ông bố bà mẹ cũng như ông thầy bà cô nào có thể dạy cho cậu. Cậu vừa được học lại vừa được thực hành, cậu được dạy về cách đối nhân xử thế, sống chan hòa, biết trước sau và cậu chủ động thực hành ngay sau khi được dạy.

Cuốn tiểu thuyết cho người đọc thấy một sự thật luôn đúng về tình cảm gia đình thông qua các câu chuyện của các nhân vật trong truyện: tình cảm gia đình càng được thử thách thì đến cuối cùng nó sẽ bền chặt và gắn kết hơn. Sau tất cả mọi lỗi lầm thì gia đình vẫn là quan trọng nhất đối với mỗi con người. Đặc biệt cuốn sách cũng cho ta thấy tinh thần lạc quan yêu đời vượt qua mọi khó khăn thử thách mất mát trong cuộc sống của người Nhật - đó là cái mà chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải học tập.

Trên hết, tinh thần chính của tác phẩm vẫn là tinh thần của tuổi trẻ: phải đi, phải dấn thân, phải học một cách thực tế, đúng đắn và phải thực hành chứ không thể để trên giấy hay trong đầu. Đã nhiều lần Kazuya bỏ cuộc nhưng rồi cậu cứ liều và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Bạn cứ chôn mình trong cái thế giới cô đơn và tẻ nhạt, bạn luôn ở trong một cái hộp với bốn bức tường vững chắc để được an toàn, nhưng cuộc sống luôn thay đổi và trừ phi bạn là một cái máy thì mới được sống an toàn. Và cuốn sách sẽ là một cuốn cẩm nang nho nhỏ giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng đương đầu với khó khăn!