Những sinh thể văn chương

Chạm tay vào “Những sinh thể văn chương Việt” (NXB Văn học) của PGS, TS Lý Hoài Thu, đọc tác phẩm, những vấn đề muôn thuở của văn chương được tác giả ví như những sinh thể sống, hiện lên một cách quen thuộc, gần gũi. Các đối tượng nghiên cứu rất đa dạng. Từ thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, phê bình, tản văn, kịch… cho đến việc nghiên cứu một trào lưu, một giai đoạn…

Những sinh thể văn chương

Với 14 bài nghiên cứu phê bình về thơ, hầu hết tác giả sử dụng kiểu phê bình thi pháp học, tuy nhiên mỗi bài viết lại được tiếp cận theo những hướng khác nhau. Chẳng hạn, với bài “Thơ Nguyễn Bính - từ ký hiệu sinh thái đến không gian tự tình”, phê bình theo hướng tiếp cận ký hiệu học, đã giải mã những biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính mà tiêu biểu là “cặp đôi trầu - cau”. Hay với bài đánh giá về thơ Hữu Thỉnh, tác giả đan xen phê bình thi pháp học với phê bình sinh thái để khẳng định biểu tượng cây “như là sinh mệnh thứ hai của thơ Hữu Thỉnh”. Trong sự giao thoa có tổ chức giữa phê bình thi pháp học và phê bình sinh thái, ký hiệu “cây” trở thành một biểu tượng độc đáo của riêng Hữu Thỉnh: “Từ cái biểu đạt đến cái được biểu đạt, từ hình ảnh đến biểu tượng, từ hiền hòa đến gai góc, từ cận cảnh đến viễn cảnh…, cây trong thơ Hữu Thỉnh là dấu ấn thi pháp, là gương mặt và số phận con người, là ký ức dân tộc và tín hiệu văn hóa”.

Phần hai là 11 bài viết về thể loại và tiến trình thể loại với một số thể loại khác như kịch, văn xuôi, PGS, TS Lý Hoài Thu đặc biệt quan tâm, chú ý đến các hiện tượng và sự kiện có tiếng vang trong dư luận, đặc biệt là từ sau 1986. Chẳng hạn, với bài viết “Lưu Quang Vũ và chặng đường kịch Việt Nam cuối thế kỷ XX”, tác giả đã đi tìm điểm nối giữa đời tư với tác phẩm trong sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ, để đưa ra nhận định: “Con đường nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ đã đi qua là lối đi chung cho nhiều người, đồng thời là sự lựa chọn của riêng anh, in đậm dấu ấn những đam mê và thăng trầm của đời anh”. Hay như bài viết “Tiểu thuyết hải ngoại - tha hương và thân phận”, tác giả đã từng bước tiếp cận theo kiểu phê bình phân tâm học, biểu hiện qua những lát cắt như: “bi kịch của kẻ xa lạ” lạc lõng nơi đất khách, cảm thức cô đơn, cảm thức “đi tìm bản thể”, hoài niệm… để hiểu sâu sắc hơn đời sống của người Việt xa xứ - một phần máu thịt của cộng đồng dân tộc.

Đọc nghiên cứu phê bình của PGS, TS Lý Hoài Thu khá thú vị bởi ngòi bút linh hoạt và tinh nhạy. Tác giả coi văn chương Việt như những sinh thể sống, vì vậy cái người đọc cảm nhận được là sự gần gũi, đồng cảm trong từng bài viết, chứ không phải kiểu áp đặt, khiên cưỡng quan điểm của người đọc theo một lý thuyết nào đó. Với nền móng thi pháp học, các bài viết được bảo đảm về tính khoa học, chuyên nghiệp trong phê bình, tuy nhiên những hướng tiếp cận đa dạng từ phê bình sinh thái, ký hiệu học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận... đã khẳng định một tiếng nói “lạ”, đầy đủ và mới mẻ về những vấn đề văn chương Việt.