Những mùa yêu tươi mới

Tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà” (NXB Hội Nhà văn, 2020) của Nguyễn Thị Lê Na có 11 truyện ngắn, giản dị nhưng mềm mại với những đề tài về tình yêu, cuộc sống gia đình, thân phận người phụ nữ. Các nhân vật nữ trong truyện của chị đều khát khao bộc lộ bản ngã, dù được đặt trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, phải lựa chọn nhưng vẫn cố gắng gìn giữ vẻ đẹp phái nữ.

Những mùa yêu tươi mới

Nguyễn Thị Lê Na có chất giọng luôn đằm thắm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một người phụ nữ, trải qua cuộc sống gia đình viết văn nên có những thấu hiểu cặn kẽ về người phụ nữ hiện đại. Đọc truyện ngắn “Vùng rừng sáng” và “Cơn bão”, bạn đọc thấy những mùa yêu tươi mới trong tâm hồn người đàn bà khao khát tình yêu và sẵn sàng đi theo tiếng gọi của tình yêu. Đó là những trái tim thổn thức, quyết nghe theo sự mách bảo của con tim. Dù có lúc, “con tim mù quáng dễ thương”. Trong những thời đoạn như thế, người phụ nữ dám dấn thân phải đấu tranh và thường phải chịu thiệt thòi.

Lẽ thường, con người muốn có và giành lấy tình yêu, thì cái nhận lại được đâu chỉ có hoan ca, mà còn có cả những bi thương, đau khổ, mất mát. Nhân vật Mận trong truyện ngắn “Cầu vồng sau mưa” đã trải qua sự tuyệt vọng, nuối tiếc và khóc cạn nước mắt, tới hơn 20 ngày khi Huân - mối tình đầu của chị đi lấy vợ. Tác giả khéo léo phân tích tâm lý của Mận, khi chị cố gắng gạt bỏ nỗi tức giận, nén nỗi đau cá nhân để không vùng lên, giành lại Huân. Mận đã để mọi chuyện êm xuôi khi biết Phương, vợ của Huân cũng là một số phận. Với truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà”, tác giả khéo léo phân tích tâm lý con người lý tính và bản năng. Vy, nhân vật chính của truyện ngắn đã gặp lại Phong, người yêu cũ. Từ đó con người bản năng của cô trỗi dậy, Vy muốn được sống thật với cảm xúc và khát khao của mình mà khi ở với chồng, cô đã không được giải tỏa. Trong cô luôn tranh đấu giữa một bên là đức hạnh, gia đình, còn bên kia là vị ngọt của mối tình đầu dang dở. Trong tâm tưởng, Vy luôn cảm thấy có lỗi với chồng, nhưng người chồng mà cô vốn kính nể, tự hào lại âm thầm phản bội cô. Trong truyện ngắn “Nước mắt đàn ông”, tác giả xoáy vào nhân vật Kim bị mắc kẹt giữa vùng bão tố, bất an. Kim vướng vào bi kịch bị chồng hiểu lầm và lúc nào cũng chờ được minh oan.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: “Nguyễn Thị Lê Na có một lối văn chăm bẵm, đắm đuối, nâng niu, dìu dắt, nâng đỡ người nữ đi qua những bất trắc, khổ hạnh, những éo le, ngang trái. Giọng thương cảm làm nên cái “lõi” văn của chị, lúc nào cũng như muốn “bào chữa” cho thân chủ - nhân vật nữ của mình”.

Một cuốn sách với chất giọng truyền thống, chạm vào những suy tư, khắc khoải, mở ra thế giới đậm tính nữ.