Người anh hùng và sứ mệnh

Bắt đầu sáng tác khá muộn nhưng với ba cuốn tiểu thuyết lịch sử là “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” (viết về Nguyễn Công Trứ) và “Khúc hát những dòng sông” (viết về bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà văn Nguyễn Thế Quang (77 tuổi) đã nhanh chóng định hình phong cách và dấu ấn trên văn đàn. Ông vừa tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ tư mang tên “Đường về Thăng Long” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người anh hùng và sứ mệnh

Tiểu thuyết đã làm nổi bật hình tượng Đại tướng trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là giai đoạn 1946 - 1947. Trong đó, khoảng thời gian trước 1946, tính từ khi Võ Nguyên Giáp bắt đầu học Trường Quốc học Huế (1927), cũng được phản ánh bằng phương pháp hồi tưởng. Tập trung khai thác giai đoạn này, tác giả muốn nhấn mạnh tâm thế của người đi tìm đường, chọn đường và nhận đường trong thời điểm trọng đại của dân tộc.

Ngoài nhân vật chính là Võ Nguyên Giáp, tác phẩm cũng xây dựng và khai thác một loạt các nhân vật lịch sử quan trọng ở mức độ đậm nhạt khác nhau nhằm làm nổi bật chủ đề tác phẩm, cụ thể. Với tư duy của một nhà tiểu thuyết từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết lịch sử, tác giả Nguyễn Thế Quang đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại, những bài học đắt giá, nhờ vậy, thế giới nhân vật trở nên đa dạng, sinh động và chân thực. Giữa những tuyến nhân vật khác biệt, thậm chí mâu thuẫn bởi sự lựa chọn và cách nhìn nhận quan điểm khác nhau, lịch sử đã mang tới câu trả lời đúng đắn nhất: Nhân dân chọn ai, người đó thắng bởi có dân là có tất cả.

Bản thân tác giả Nguyễn Thế Quang đã có lần bày tỏ: “Tôi thích viết những đề tài về lịch sử, đi sâu vào khám phá số phận con người. Viết là để khám phá bản chất đời sống đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ. Người đọc tìm đến văn chương không chỉ để nhận biết mà còn để thưởng thức. Vì vậy, nhà văn phải luôn nỗ lực đi tìm và tạo nên những vẻ đẹp để bạn đọc hứng khởi và phấn chấn hơn”.

Tuy vẫn theo cách viết truyền thống nhưng tác giả đã có sự đổi mới mạnh mẽ về kết cấu, sử dụng bút pháp dòng ý thức, điểm nhìn đa chiều so các tiểu thuyết trước đây của mình. Bên cạnh đó là chất đối thoại bao trùm tác phẩm, xuyên suốt trong từng nhân vật, giữa các nhân vật, cuốn người đọc vào những cuộc đối thoại không ngừng. Bởi vậy, “Đường về Thăng Long” thể hiện những điều tâm huyết, suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc.