Một góc nhìn về Kiều

Người đời bàn về “Truyện Kiều” đã quá nhiều, đủ góc cạnh, đủ cung bậc nhưng nếu thử đọc “Truyện Kiều tự kể” của Cao Nguyệt Nguyên (NXB Kim Đồng), ta vẫn thấy lắm điều mới mẻ. 

Một góc nhìn về Kiều

Với cách dẫn dắt của một cây bút 9X, Cao Nguyệt Nguyên đặt mình vào vị trí của nhân vật, chậm rãi lắng nghe họ nói cười, cảm thán hay giải thích, phân bua. Cách nhập vai, lý giải của tác giả không thể làm hài lòng tất thảy người đọc nhưng đó là góc nhìn mới mẻ, đôi chỗ táo bạo nhưng vẫn rất nhân văn. Nếu như trong “Truyện Kiều”, nhà thơ Nguyễn Du dùng ngòi bút sắc sảo của mình khắc họa nên những nhân vật để đời thì trong cuốn sách này, Cao Nguyệt Nguyên đã góp vai trò diễn giải, giúp người đọc thấu cảm hơn nỗi lòng của các nhân vật để khỏi quá thần tượng, hay trách oan một ai.

Phải là người trẻ với cái nhìn đồng cảm, tác giả mới thấy rõ nỗi khổ của Thúy Vân, nhân vật mà nhiều người lâu nay vẫn cho là sung sướng, nhàn hạ. Vân trẻ, tài giỏi, thông minh, tính cách mạnh mẽ. Khi biến cố xảy ra, khi phải nối duyên thay chị, ai không hiểu chắc nghĩ Vân vui nhưng thực ra “Vui sướng gì chuyện lấy chồng thay chị?”. Góc nhìn của Cao Nguyệt Nguyên lột tả được tính cách và cả tấm lòng của Thúy Vân, điều mà không phải người đọc nào cũng thấu hiểu nên lắm lúc trách nàng sao hời hợt, vô tâm.

Khi nhìn lại chặng đời lắm khổ đau của mình, nàng Kiều tự hỏi “Đẹp và tài để làm gì? Tôi đã từng ngước lên trời cao để hỏi, tôi có tội tình gì? Vì tài ư? Vì sắc ư?”. Vẫn là Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng tác giả thổi vào câu chữ thêm nhiều thổn thức, oán than khiến người đọc thấm hơn những bi ai mà Kiều đã trải qua. Nhưng điều quý nhất vẫn là tinh thần của Kiều sau 15 năm lưu lạc, bị giày vò đủ kiểu. Chết đi sống lại bao bận, Kiều vẫn bình thản nói “Có lẽ cuộc đời và tôi đã tha thứ cho nhau”.

Cái hay thứ hai của “Truyện Kiều tự kể” là Cao Nguyệt Nguyên dành khá nhiều đất để các nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh hay Tú Bà lý giải hành vi, nhìn lại cách sống và nhận ra ta đã sai từ đầu. Và khi nói về Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, tác giả vẫn chọn cách nói thẳng, nói thật thay vì chỉ bàn về cái đẹp của ba người đàn ông bước qua đời Kiều. Tính cách các nhân vật thể hiện rõ trong từng câu chữ mộc mạc, gần gũi. “Truyện Kiều tự kể” cũng hấp dẫn bởi sự thẳng thắn trong câu chữ của tác giả, đúng như lời chị từng chia sẻ về tác phẩm này: “Với con mắt của một người viết trẻ, cái nhìn của tôi về nhân vật chắc chắn cá tính, sẽ không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với khuôn mẫu trước kia bất ngờ. Thế nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận các thể nghiệm mạo hiểm ấy. Tôi muốn bức tranh “Truyện Kiều tự kể” đa dạng, đa màu và sống động chân thực”.