“Mải miết yêu cạn vùng nhụy đắng...”

“Thời cách ngăn trống rỗng” (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ thứ ba của Lữ Mai, gồm 41 bài, đánh dấu một hành trình thơ chín năm, sau hai tập đầu “Giấc” (2010) và “Mở mắt rồi mơ” (2014).

“Mải miết yêu cạn vùng nhụy đắng...”

Lữ Mai là một trong số không nhiều những cây viết nữ đương đại đã định hình được lối đi riêng. Đọc thơ Mai bao giờ cũng cảm nhận được một chiều sâu vô hình của các con chữ. Có những khổ thơ đẹp một cách bàng hoàng, đau đớn với những tu từ tràn ngập, chỉ cần đọc một lần đã găm ngay vào trí nhớ: “Cuối con đường hoa rụng rơi thành máu/gót giày khua đau cả dấu chân mình/khói héo dần đốt tay lành lạnh/từ nỗi niềm chắp vá những tàn canh” (Từ mái ngói thõng chân).

Thơ Mai ngay cả lúc vui nhất vẫn thấp thoáng một nỗi buồn, một dự cảm, hoặc đúng hơn, Mai nhìn mọi thứ xa hơn chính bản thân của chúng, Mai nghĩ về những điều mà người khác chưa kịp nghĩ: “mùa xuân còn chút gì để thương/mưa mù đầy lên chộn rộn” (Xem tranh con vẽ), “Áo người một hàng lộc biếc/Năm tháng trổ ra hờn tiếc” (Du xuân). Đọc thơ Mai, tôi bắt gặp cảm giác của một người thảng thốt, lo âu trên hành trình đi tìm kiếm thứ tuyệt đích mà vẫn biết bản chất của cuộc sống luôn là bất toàn: “Nước mắt những người yêu nhau/Vẫn đẻ từng nhánh sông tội lỗi/Soi vào thấy hình hài những đứa con/Giống hệt chúng mình” (Những khúc rời tháng 8, bài 1). Thơ Mai có những nỗi tuyệt vọng trong khao khát: “Người ta chết vì yêu nhau quá mức/Chỉ buồn đau lặng lẽ đâm chồi” (Những khúc rời tháng 8, bài 3), “Lòng em một sợi dây vừa đứt/Anh dắt người từ tranh bước qua” (Những khúc rời tháng 8, bài 7).

Trong thơ Mai có rất nhiều hiện diện của Hà Nội. Tuy Hà Nội không phải quê hương mà sự gắn bó đã trở thành sâu sắc thiêng liêng. Từng góc phố, từng hàng cây, từng giàn hoa tím, từng ánh nắng xiên, từng cơn mưa tạnh…, tất cả đều ăm ắp hồn vía. Tôi gặp trong thơ Mai phố Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Hội Vũ, đường Nhật Tân, Kim Mã, phố Hàng Bài và rất nhiều những con phố bơ vơ: “phố lắm khi chỉ vậy/đủ giản đơn thương tủi dày vò/lá liệng quanh lại cắm xuống hồ/đừng nghĩ cách dẫn nhau qua mặt nước/vì bóng mình chìm khuất điềm nhiên”. Mai có những bài thơ thật xúc động dành cho bè bạn. Những người bạn hiện lên với những cái tên cụ thể, là Nguyên, là Hạnh, là Vũ. Phải yêu bạn đến thế nào mới viết được những câu thơ đẹp lộng lẫy mà xao xác thế này: “nhà âm u từng bậc buồn dẫn dụ/lụa mướt mê da thịt nồng hương cũ…/lồng ngực Vũ chẳng có gì ngoài khói/lênh loang vương vất kiếp người...”. (Sinh nhật Vũ). Thơ Mai trong nhiều trường hợp đã rũ bỏ vần, chỉ còn lại nhạc điệu dẫn người ta đi: “Mưa rớt xuống nền đất ấm/chồi non ngậm giấc đông dài/đặt tựa đề khai bút/mực nhòa hụt tiếng chuông xa”.

Những trăn trở, suy tư và cả buồn thương trong thơ Mai nữa, suy cho cùng, vẫn là một cách để thể hiện tình yêu với cuộc sống này. Mai không chỉ suy tư về thân phận của mình mà còn xót xa những kiếp người. Những câu cuối của bài “Sau lũ” bộc lộ với người đọc một tâm hồn đôn hậu, một trái tim giàu tình yêu thương góp phần tạo thêm một ánh sáng lấp lánh: “anh đặt gì trên chiếc bè cứu trợ/tôi đặt vào dang dở giấc mơ”.