Mạch ngầm âm dương trong “Cây đời”

“Trong âm có dương, trong dương có âm”, những câu chữ của Trác Diễm - cây bút 8x Quảng Bình trong tập truyện ngắn “Cây đời” (NXB Thanh niên) cũng vậy.

Mạch ngầm âm dương trong “Cây đời”

Có lúc gai góc, khi lại vang lên những nốt ngân rung đầy yêu thương và nhạy cảm với thế giới chung quanh. Mạch văn khỏe khoắn, khi rắn rỏi, lúc mềm mại, được hình thành từ trải nghiệm qua những chuyến hành trình thực tế của tác giả, mở ra những câu chuyện gợi niềm bâng khuâng không dứt. 

Từ truyện ngắn đầu tiên, ta có chút giật mình trước sự táo bạo của nhân vật nữ chính. Cô thích ngắm “những bọt bông oxy già li ti trắng xóa phun lên từ vết thương”, cô sẵn sàng đứng lên để bảo vệ bản thân không trở thành nô lệ của tình yêu. Tính “dương” phản chiếu rõ qua sự cứng cỏi, niềm đam mê tự do và tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên hoang dại của cô. Tác giả dùng từ mạnh mẽ, cốt truyện khó đoán đưa đến cái kết bất ngờ như một tiếng động lớn bật lên. 

Can đảm, bướng bỉnh là thế, hình tượng nhân vật nữ trong “Cây đời” vẫn được đặt trong tổng thể hài hòa cùng với tính “âm” - nét nữ tính ẩn hiện. Nhà văn dẫn dắt ta vào thế giới nội tâm người phụ nữ, nơi nàng “ngắm mãi một chiếc lá vàng rơi, nhẩn nha một ngọn cỏ, đau lòng trước cảnh hoa tàn...”. Có những đoạn văn rất nhẹ nhàng và tâm tình, gợi cảm giác như đang đọc một cuốn nhật ký của người thiếu nữ. Tính “âm” ấy như nét hoa cỏ dịu dàng bừng sáng giữa khô cằn.  

Khi truyện ngắn thứ tám mang nhan đề của cả tập - “Cây đời”, dần đi đến hồi kết, những trang cuối khép lại cũng đem đến cho ta một khoảng lặng để cảm động và suy ngẫm. Những con đường rừng bao quanh Cù Lạc đã dẫn lối ta đến với một hoàn cảnh đau thương, với bối cảnh lễ tảo mộ nhuốm màu sắc u buồn. Nỗi đau của người chồng mất vợ, người con mất mẹ tưởng chừng đã giết chết nghị lực để sống tiếp của cả một gia đình. Người cha - ông Lam, đã lao vào làm việc để vơi đi nỗi đau - cái công việc mà sai một ly đi một dặm. Nhưng nào ngờ tang thương chồng chất bi thương, lời nguyền “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đã biến ông thành kẻ tàn phế trong một lần cưa gỗ. Một lần nữa tác giả thể hiện sự cân bằng giữa hai thái cực âm và dương, mở đầu với cung đường rừng hoang dã và cằn cỗi, ngòi bút tạo ra một cái kết mở dẫn lối về sự bình an, về chồi xanh trong tương lai. Đó chính là đứa con của ông Lam với hy vọng về ánh sáng ở phía cuối đường hầm trong cái kết mở suy ngẫm: Liệu tình yêu có sức mạnh hồi sinh cả một cánh rừng?

Mỗi câu truyện như lời bộc bạch say mê và cuốn hút của tác giả, gợi nên những bài học cuộc sống. Rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải tự tay mình tạo nên kết quả chứ không thể chịu đựng hay phó mặc cho sự sắp đặt của số phận.