Lao xao tiếng đời - làng - phố

Những câu chuyện làng, chuyện phố gắn với những thân phận nhỏ bé, lam lũ quắt quay giữa dòng đời hối hả là đề tài xuyên suốt trong tập truyện ngắn “Tình sim”, của thầy giáo, nhà văn Nguyễn Xuân Hòa, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Lao xao tiếng đời - làng - phố

Hơn 20 năm dạy học ở nông thôn, tác giả có nhiều trải nghiệm, gắn bó đời sống thôn quê và những người nông dân. Và quãng thời gian học tập ở thành phố cũng đủ để tác giả thấu cảm nhịp sống phố phường. Thế nên chuyện người quê trong sinh quyển làng xã hay họ đã chuyển dịch đến chốn thị thành đều đi vào văn chương Nguyễn Xuân Hòa tự nhiên, mộc mạc.

Tập truyện bao gồm 13 truyện ngắn tác giả từng đăng rải rác trên các báo chí: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Thời Nay… Trong đó, có bảy truyện ngắn viết về đời sống nông thôn, nhân vật có thể là người nông dân, chủ kinh doanh nhỏ, hay thầy giáo, cô giáo làng, đều hiện lên chất phác, hồn hậu, sống có tình thương và trách nhiệm. Ở họ, cái tình, cái nghĩa được đề cao, giữ gìn, bồi đắp (“Thanh minh”, “Trăng mười sáu”, “Cây cầu phía trước”)... Tuy nhiên, ở một số truyện, lại đề cập hiện tượng cơ chế thị trường, quá trình đô thị hóa với những mặt trái của nó đã làm môi trường sống, vẻ đẹp tự nhiên của làng quê bị phá vỡ, những giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp tâm hồn của không ít người quê dần trượt trôi xuống vũng lầy của sự lai căng, ô trọc, thực dụng, giả dối (“Thanh minh”, “Gã săn chim”, “Gió đồng xa ngái”)… Tất cả những mặt trái, tiêu cực đó là nỗi day dứt của nhà văn trước một nông thôn đang chuyển mình, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người thôn quê đang lạc bước giữa làng xã.

Không gian phố thị được tác giả phơi mở trong sáu truyện ngắn còn lại. Điều đặc biệt là tất cả các nhân vật trong đó đều có nguồn gốc từ nông thôn, vì cuộc mưu sinh, họ lên thành phố lập nghiệp và phải từng phút giây cuồng quay trong nhịp điệu xô bồ, nhốn nháo chốn thị thành. Tuy vậy, dù đời có khắc nghiệt, khốn khó, hầu hết các nhân vật đều vẫn giữ được “thiên lương” vốn có của những người do ruộng đồng sinh ra. Đó là tình máu mủ, vời vợi thương nhớ của Vy với người cậu lạc trôi (“Xóm trọ ven đô”). Đó là khát khao hướng đến tình yêu chân thành, tương lai tươi lành, dù hiện thực thật khó khăn, bức bối của Đỗ (“File nén”)… Và một điều nữa, dù một số phận đời bị đẩy vào những cảnh huống thách thức, trớ trêu, thậm chí phải làm những việc nhớp nhơ thì họ vẫn luôn khao khát và gắng vượt thoát thực tại để đến với sự tốt đẹp ở đời (“Linh cảm”, “Tình sim”)...

Nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hòa không dụng công nhiều ở cốt truyện, mỗi truyện là một lát cắt nhỏ của cuộc sống, diễn tiến câu chuyện cũng khá nhanh. Điểm mạnh nhất của tác giả là ở sự quan sát kỹ lưỡng và tinh tế cuộc sống nên có những chi tiết, hình ảnh sáng - đắt, chuyển tải được những gì tác giả muốn gửi gắm. Ngôn ngữ hoạt, phù hợp không gian, nhân vật, tình tiết truyện và thật sự có duyên, cái duyên thầm, đọc kỹ, nghĩ lâu mới thấy.