Ký ức nhói vào tưởng tượng

“Thức cùng tưởng tượng” (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung, đánh dấu hành trình của một cây bút từ thuở là sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) đến vị trí một biên tập viên văn chương.

Ký ức nhói vào tưởng tượng

Đúng như tên gọi, tập thơ đa dạng đề tài nhưng phần nhiều dành cho kỷ niệm về miền quê cũ trung du khói sương với niềm thiết tha hồi cố. Đây cũng là xu hướng quen thuộc của những người sống xa quê, định cư ở không gian có phần đối lập ký ức. Trong cái chung, gặp cái riêng, thơ Kim Nhung toát lên vẻ tinh tế, trường liên tưởng mạnh, cảm giác chạm đến từng tế bào cảm xúc. Mầu sắc không gian kỷ niệm của cô vọng về những chiều hôm nhập nhoạng, vàng phai bờ giậu hay cây lá đắng đót kể chuyện mùa: “Ai ghé nhà ta xin lửa/nhóm gì đỏ cả hoàng hôn/Người già ngồi trên bậc cửa/nhìn trẻ chơi trước nhà/gậy khua vào chạng vạng” (Nhà cũ); “Đồi vắng chân người chặt củi/cây chồi còn nhắc vết dao” (Gửi về xóm núi); “Mẹ xuống bến chỉ nghe im lặng/gặp dáng chuồn trên cánh hoa trôi” (Đêm suông).

Thơ Kim Nhung ngầm chứa đựng tuyên ngôn về thái độ bảo toàn hồi ức trong veo, da diết và ám ảnh. Đến nỗi, giữa lòng đô thị, giá trị cốt lõi ấy có chuyển hóa cũng ở dạng thức của giữ gìn, bao bọc: “Nắng ầm ĩ như vàng cho mùa cuối/những nóng nung không giết được xa xanh” (Nhìn nắng). Từ trong xa xanh kỷ niệm hay chính khi cô viết về người khác vẫn là níu giữ giấc mộng thuở hoa niên: “Cha mải mê trải lưới chim trời/những đàn chim một đời di trú/thao thác bầy đàn cầm cố giấc mơ” (Thu phố); “Trung du là tiếng thở dài/những quãng đứt khiến núi đồi mỏi mệt” (Có một ngày).

Phố xá, đô thị được tác giả quan sát chậm, kỹ và đằm sâu với những: “Khu tập thể toàn người đơn lẻ/họ thay nhau canh giữ âm u/không ai nghe nước tràn trên bể” (Đêm thiếu phụ); “Những ô vòm còn thức/nhắc nhau nói khẽ cũng thừa/Quán hàng như người mất ngủ/và người đi như ru” (Phố Gầm Cầu). Hẳn phố xá phức hợp nhiều hơn thế, có điều tác giả chỉ sàng lọc để mình tiếp nhận mỗi thế thôi. Vì rằng, hiện tại như căn cớ để vọng về quá vãng, an ủi thêm bao hy vọng ấm nồng, có hậu: “Cuộc di trú mang nhiều mất mát/phía bên kia ấm áp đang chờ” (Bình yên); “Trong bóng tối ập òa mất, được/dải mây đêm kín đáo thay màu” (Đêm).

Tập thơ có những so sánh, ẩn dụ thật đặc biệt, có khí phách phóng túng ẩn sau hình vẻ mong manh. Điều đó thể hiện qua những câu chữ: “cạn nhau một chén mải mê/ai vung lên trời một nắm ban mai/vó ngựa tung giấc mơ biên ải/tạnh rừng mưa và cạn lòng ta…”.