Khi cổ vật kể chuyện

Gần 200 trang, có thể xếp “Gốm” của Nguyễn Hữu Nam (NXB Văn học & DTBooks, 2018) vào thể loại tiểu thuyết ngắn. Ngắn, tinh mà lạ, hay. “Gốm” gây ấn tượng trước hết với cấu trúc văn bản gồm 12 phần, 12 mảnh ghép của những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến 12 gam mầu/tông mầu, 12 tuyệt tác gốm sứ.

Khi cổ vật kể chuyện

“Gốm” còn đặc biệt bởi tác phẩm là bản hòa âm của 12 cái tôi đồ vật kể chuyện trong vai trò chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, thăng trầm văn hóa.

Lấy bối cảnh chính từ triều đại của vị vua thứ chín triều Nguyễn, Đồng Khánh; lấy đề tài chính từ quá trình chế tác gốm sứ ở hai lò gốm Phước Tích và Long Trường, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Nam đã dựng lại một giai đoạn đáng chú ý của dân tộc. Tác phẩm cũng là sự hòa trộn của các diễn ngôn văn hóa, nghệ thuật, chính trị… trên cái nền của những câu chuyện về yêu thương, thù hận, về tình phụ tử, nghĩa vua tôi, về hòa bình, chiến tranh, về khát vọng tự do cho quê hương, cho nghệ thuật.

Câu chuyện lịch sử trong “Gốm” được mở đầu bằng lời kể của “Màu lam ngọc - Bộ bình pha cà-phê”, kiệt tác mà triều đình Pháp gửi tặng hoàng đế An Nam (Đồng Khánh) nhân kỷ niệm hai năm ngày đăng cơ; và kết thúc bằng lời tự thuật của “Màu da lươn - bộ trà cụ”, một lưu vật theo chân cựu hoàng Hàm Nghi trong những buổi trà đàm cách xa cố quốc. Giữa hai lời kể, hai đế vương ấy là những biến động của lịch sử dân tộc, lịch sử đời người gắn liền với phong trào Cần Vương. Xen giữa những năm tháng trị vì của vua Đồng Khánh còn là câu chuyện về vị vua yêu nước Hàm Nghi, qua lời kể của “Màu chàm: miếng gốm mệnh lệnh”, chứa đựng bí mật về lời hiệu triệu Cần Vương.

Tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Nam còn là một bản tụng ca về vẻ đẹp của gốm sứ. Đã có một quan niệm xác đáng về lẽ tồn vong của cái đẹp, của nghệ thuật, qua những câu chuyện của cổ vật, của gốm sứ. Cũng đã có những khước từ cực đoan, dứt khoát khi không chấp nhận một cái đẹp lai tạp, mất bản sắc. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Nam, gốm sứ không chỉ kể chuyện lịch sử, chuyện văn hóa mà còn đưa ra các tuyên ngôn về nghệ thuật.

“Gốm” là một tiểu thuyết lịch sử… lạ so các tiểu thuyết lịch sử truyền thống và cả tiểu thuyết tân lịch sử. Bởi lịch sử không là trục chính, dù tác giả đã xác lập ngay từ bìa sách rằng đây là tiểu thuyết lịch sử. Bởi sự kiện, chi tiết lịch sử chỉ được điểm xuyết vừa đủ, đủ để chính xác mà không giảm tính hư cấu của tác phẩm. Sự chập chờn gây men ngờ vực vốn đặc trưng của thể loại tiểu thuyết đã được thể hiện khéo léo qua tiểu thuyết “Gốm” của Nguyễn Hữu Nam.