Gửi đi lời tượng gỗ

“Tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai” (NXB Văn hóa dân tộc, năm 2019) là tập sách thứ bảy của nhà văn Hoàng Thị Thanh Hương, nhưng là tập sách đầu tiên về nghiên cứu văn hóa dân gian của chị.

Gửi đi lời tượng gỗ

Tiền thân của tập sách là công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Ths Hoàng Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm đề tài, thực hiện năm 2015 - 2017. Từ đề tài này, chị đã biên soạn hoàn thiện cuốn sách với mong muốn làm phong phú thêm nguồn tài liệu tham khảo về tượng gỗ dân gian và các nghệ nhân tạc tượng ở Gia Lai. Từ những chuyến công tác cơ sở, chị yêu những bức tượng gỗ thô mộc nhưng rất giàu sức gợi tả, nhìn thoáng qua thấy gồ ghề thô ráp, nhưng càng nhìn, càng tìm hiểu thì lại càng yêu mến, lại càng thích thú với những ý nghĩa tâm linh nghệ thuật ẩn sâu trong thớ gỗ, dáng tượng.

Tập sách được chia làm bốn chương giúp người đọc có thêm hiểu biết về môi trường cư trú, kinh tế - xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa dân gian của hai tộc người Bahnar, Jrai ở Gia Lai. Vẻ đẹp thô mộc của các bức tượng gỗ dân gian không chỉ là từ những hình thù mang tính ước lệ cao. Từ những cây gỗ nguyên khối, các nghệ nhân chỉ với rìu, rựa và cảm hứng nghệ thuật của bản thân đã cho ra đời các tác phẩm tượng gỗ hết sức sinh động và mang đủ những đặc trưng dân tộc cũng như những điều mình cần gửi gắm. Người đọc cùng sẽ biết thêm, tượng gỗ của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai không chỉ tập trung ở nhà mồ, mà còn dùng để trang trí cho nhà rông. Tượng nhà mồ được tạc cho người chết thì sẽ có bạn, có người hầu, có sự tượng trưng một cuộc sống đủ đầy không kém khi còn sống. Còn tượng trang trí nhà rông chủ yếu là tượng thú, bầu nước, nồi, gùi, hay bầu vú... Các hình ảnh như con voi, chim công, người… thường được điêu khắc đơn giản trên mặt phẳng của tấm gỗ.

Từ những nghiên cứu đó, tác giả chỉ ra thực trạng của tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có nguy cơ thu hẹp và mất dần không chỉ do rừng bị thu hẹp mà còn bởi các nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức. Khác với thực tế khá phổ biến là những người thợ tài hoa sẽ tập hợp thành phường, hội để hành nghề, các nghệ nhân tạc tượng người Bahnar, Jrai ở Gia Lai chỉ là những người nông dân “sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy”, bỗng vụt sáng khi trở thành những người nghệ sĩ tài hoa khi có Pơ thi, hay khi dựng nhà rông mới. Họ là những “người tạc tượng mang tính bột phát, thời vụ, ít có quá trình theo đuổi nghề lâu dài”, thế nên nếu không có sự quan tâm và giúp đỡ đúng mức, những nghệ nhân độc đáo ấy sẽ dần biến mất.

Tập sách nghiên cứu “Tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai” của Hoàng Thị Thanh Hương đã được Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải C - giải thưởng VHNT năm 2019 của Hội, loại hình: văn hóa dân gian.