Gợi mở chính sách với người đọc

Đã có nhiều những ý kiến trên các diễn đàn văn nghệ về các chính sách, cơ chế đối với văn học, tập trung vào đối tượng những người sáng tác; các nhà tổ chức xuất bản, phát hành sách; các cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật và các hội nghề nghiệp... 

Gợi mở chính sách với người đọc

Đây đều là những vấn đề thiết thực nhằm thúc đẩy hành trình sáng tạo, lan tỏa giá trị văn chương. 

Nhưng nghiên cứu bạn đọc với tư cách là thành phần không thể thiếu trong mối tương quan người viết - người đọc, sáng tác - cảm thụ, thì còn cần nhiều nhận định, gợi mở. Đặc biệt khi đặt mối tương quan đó trong bối cảnh hiện tại ở nước ta, với những biểu hiện đa dạng của sự viết, đọc, thị hiếu thẩm mỹ độc giả, xu hướng tìm, chọn sách, sự hình thành thị trường sách văn học… Đó là lý do cho việc thực hiện riêng một chuyên khảo, dẫn tới hoàn thành cuốn sách “Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại” vừa được NXB Văn học ấn hành. Đây là lối đi nhiều gợi mở của TS Vũ Thị Thu Hà, hiện công tác tại Viện Văn học.

Từ nền tảng lý thuyết về tiến trình sáng tạo, cảm thụ tác phẩm văn học; sự đồng sáng tạo, tái sáng tạo tác phẩm văn học của người đọc; tương lai của tác phẩm văn học trong đời sống văn hóa, xã hội…, tác giả khảo sát hiện trạng bạn đọc văn học hiện nay. Qua đó cho thấy tình hình phân chia của các đối tượng bạn đọc khác nhau, theo những dòng chảy, xu hướng văn học, theo sự tích lũy vốn thẩm mỹ văn hóa, văn học nghệ thuật, theo độ tuổi, theo các giai đoạn lịch sử… Từ đó, nhận ra những nét đặc trưng nhất định, tương đối của các đối tượng bạn đọc. Gọi là tương đối, bởi theo quá trình phân tích của tác giả, bạn đọc nói chung, mỗi đối tượng bạn đọc nói riêng, trong sự tiếp nhận thông tin, tri thức phong phú của mình, chịu những tác động đa chiều của văn hóa, xã hội, sẽ có những biến đổi trên hành trình cảm thụ văn học.

Các góc nhìn, nhận diện đa dạng về các đối tượng bạn đọc qua công trình này, cùng với một số đề xuất của tác giả ở phần cuối sách, là những gợi ý thiết thực đối với các nhà quản lý, góp phần xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển văn học. Đặc biệt là với các chính sách, chương trình phát triển văn hóa đọc; bồi bổ tác phẩm văn học một cách phù hợp, có lộ trình, có phương pháp đối với bạn đọc ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, thành phần xã hội, thị hiếu và nhu cầu thẩm mỹ khác nhau. Cần hiểu, mới có thể có những bước đi đồng hành, vun đắp cho bạn đọc, nhất là công chúng văn học, trong bối cảnh đa dạng, thậm chí có phần phức tạp của đời sống văn hóa, giải trí hiện nay.