Còn “sôi bầu máu nóng”

Đó là một ý trong bài thơ “Theo dấu chân anh thủy điện” mà nhà báo lão thành, nhà văn Đặng Minh Phương (trong ảnh) in trong cuốn sách “Nhà báo - Nhà văn Đôi nét” của ông (NXB Hội Nhà văn). Một nét thơ, nhưng mang tinh thần, tình cảm chung của cả tập sách, với một số bài thơ được ông viết thời kỳ làm báo trong chiến trường khu V, và đặc biệt những năm sau này, là nhiều bài thơ có tính phản biện sôi nổi.

Còn “sôi bầu máu nóng”

Sôi nổi, hăng hái, được chuyển vào giọng điệu thẳng thắn và ý tình thâm thúy của tác giả, khi ông quan sát và phê phán những cái xấu, biểu hiện chưa tốt trong đời sống xã hội. Càng cho thấy tâm huyết của người dành cả đời cho ngòi bút, trang báo để phản ánh, điểm tô cuộc đời, nhưng cũng “không tha” những gì thoái hóa, biến chất, lợi dụng cơ chế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay nghề nghiệp mà mưu cầu danh lợi bất chính. Tác giả đặt cái tên giàu liên tưởng cho một bài thơ: “Phẫu thuật quan tham” với những câu đả kích mạnh mẽ: “Quá no bị bục dạ dày/Phải đi phẫu thuật phơi bày ruột ra/Bác sĩ cho tổng kiểm tra/Phát hiện chất thải thấm qua phổi phèo”. Với tình trạng yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý xuất hiện trong không ít lĩnh vực như quản lý tài nguyên, giao thông, tác giả “đọc” ra “bệnh”, cũng chính là chiêu trò phổ biến: “Trình trên, trên bảo dưới làng/Trình làng, làng hứa sẽ bàn với trên/Đung đưa trên dưới đôi bên/Sẵn câu kết luận túi tiền mở ra/“Buông lỏng quản lý” ấy mà/Sẽ “rút kinh nghiệm” ắt là tốt thôi!”. Ở bài khác, phê cái bệnh “rút kinh nghiệm”, tác giả chỉ thẳng: “Tham ô cái bụng chình ình/Càng “rút kinh nghiệm” càng phình to hơn”. Với những thứ “bệnh” nặng như thế, nhà báo, nhà văn Đặng Minh Phương từ lâu đã có bài thơ nêu cao tinh thần chiến đấu, nghiêm trị để lập lại kỷ cương. Mặc dù “chống tham nhũng thật trăm bề khó khăn”, nhưng đã có “lệnh Ngọc Hoàng đánh tan cho hết”, thì: “Bọn tham ô bất kể cấp nào/Không chiếu cố, chẳng che bao/Càng to tội trạng, càng đau trận đòn”.

Còn “sôi bầu máu nóng” ảnh 1

Những câu thơ đầy trách nhiệm của Đặng Minh Phương cổ vũ cho công cuộc đấu tranh, làm trong sạch đội ngũ, củng cố, bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên mà toàn Đảng, toàn dân đang tích cực triển khai và đã thu được nhiều thành quả, cần tiếp tục được hưởng ứng, thực hiện lâu dài. Với nghề nghiệp đã cống hiến cả đời, nhà báo, nhà văn Đặng Minh Phương cũng có lời nhắc nhở người làm báo không ngừng trau dồi, rèn luyện. Bởi theo ông: “Cái nghề viết lách/Không giàu có nhờ mùa gặt cũ”. Nếu không chịu tích lũy, học hỏi thì không thể thành công. Ông nhắn nhủ: “Vốn sống vốn văn/Biết năm viết một/Chưa chắc đã hay/Biết một viết hai/Còn ai buồn đọc”. Lời không đao to búa lớn, mà trúng vấn đề, một trong những vấn đề đáng suy ngẫm của ngày hôm nay.

PGS Vũ Ngọc Khánh từng nhận xét: “Không một hiện tượng một âm mưu nào lọt khỏi cặp mắt của Đặng Minh Phương cả. Phải biết, phát hiện ra khía cạnh, phải xây dựng được sự kiện, được hình tượng dù chỉ bằng một lời gọn ghẽ, một lối so sánh, một cách định danh… Tôi không ngần ngại để nói rằng Đặng Minh Phương đã cố gắng có được cái sở trường này”.