Ấm áp tình người

“Bức phù điêu mạ vàng” (NXB Văn học ấn hành) là tập truyện ngắn thứ tám với 20 truyện thể hiện được nét riêng của nhà văn Tống Ngọc Hân. Bước vào thế giới “truyện như thực”, từng bức tranh đời sống đương đại mở ra trước mắt. Đong đầy cảm xúc. Chan chứa tình người.

Ấm áp tình người

Lần mở sách. Những câu chữ đẹp thanh thoát hiện ra. Những con người với tính cách, số phận khác nhau quyết giữ cho mình cái đẹp thiên lương hiện ra. Cái đẹp bỗng chốc tỏa ngát hương. Đọc truyện mà có cảm giác như đang bước vào chuyến rong ruổi để hiểu thêm từng góc nhà, từng nếp nghĩ, từng đời sống, từng vùng đất và cảm thông hơn cho từng số phận. Đọc truyện, phút chốc thấy nao nao lòng, xốn xang, ngọt ngào nhưng đôi khi phải “giật thót tim” suýt xoa, thở phào...

Không khó để tận hưởng không khí ngày Tết ấm tình với nét đặc trưng văn hóa thú vị; không khó bắt gặp hình ảnh thiên nhiên thoáng đãng cùng nếp sống bao đời của người dân tộc vùng cao. Nhà văn Tống Ngọc Hân đã khai thác thành công mảng đề tài về miền núi phía bắc. Cuộc sống người vùng cao gắn với mảng, nứa, con bò, con lợn, gà chín cựa; tục xăm mình, ăn trầu; vườn tỏi, vườn ngồng, dốc dựng... Những con người tử tế sống chậm, yêu thương cuộc sống. Như người thầy nghĩa hiệp trong “Gà chín cựa”, ông Vìn rộng rãi có tình có nghĩa trong “Áo Tết”, người con dâu chí hiếu trong “Đêm không bóng tối”, Bủ Thung nhân hậu bao dung trong “Bủ Thung”...

Lối mở đầu các truyện tự nhiên, sắc gọn. Câu văn ngắn, đặc tả, dồn nén, thể hiện được ngón nghề, sự dụng công trên con đường sáng tạo ngôn từ của người viết. Không gian truyện được mở rộng biên độ từ gian phòng, góc bếp, đến chợ, làng, núi non và cả thị trấn nhỏ... Có khi không gian thật - ảo đan xen, ly kỳ (“Cổ tích miền sa khoáng”, “Chiếc vòng của thần sắt”, “Mộng giao long”, “Gà chín cựa”). Giọng văn xuyên suốt các tác phẩm giữ được nét mộc mạc, đượm tình và hài hước. “Trời đã vào Chạp, buốt hun hút. Cái giống nhà dựa núi, hóng sông nó thế đấy. Gió về dội thẳng vào cửa, không trốn đâu được” (Vợ đẹp).

Nhà văn còn khéo lồng ghép những truyện cổ, sự tích để lý giải về phong tục, địa danh, hiện vật, sự việc (Tục ăn trầu, tục xăm mình, tục thờ thần Sắt, hội tế thần, tục thách cưới của người H’Mông, người Dao và người Tày, tục đeo vòng vía; buộc vải đỏ lên đồ đạc, vật nuôi của người H’Mông trong ngày Tết...). Đằng sau những chuyện kể là những thông điệp ý nghĩa. Tiêu biểu là thông điệp nêu cao giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp. Dù bằng vàng hay mạ vàng thì Bức phù điêu cần được tôn kính như chính hiện thân của tổ tiên, dòng tộc. Mọi toan tính phi nghĩa trên chính truyền thống đều không thể chấp nhận được.