Kiểm soát chặt đào tạo ở khối ngành sức khỏe

Khác với các chuyên ngành đào tạo khác, việc đào tạo khối ngành về sức khỏe được xã hội đặc biệt quan tâm vì ngành nghề này liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Trong mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học (ĐH) đa ngành và tư thục đã công bố mở khối ngành này. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ siết chặt quản lý ra sao?

Sinh viên Trường đại học Y Thái Bình tập huấn kiến thức về phòng, chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: TTXVN
Sinh viên Trường đại học Y Thái Bình tập huấn kiến thức về phòng, chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: TTXVN

Nhiều ý kiến

Mới đây, nhiều trường ĐH đa ngành và tư thục đã công bố năm 2021 sẽ tuyển sinh thêm các khối ngành liên quan sức khỏe, dược như các trường: ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH), ĐH Hoa Sen… Đáng chú ý, nhiều trường ĐH lâu nay có truyền thống đào tạo khối ngành kinh tế, công nghệ như Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh… giờ đây lại lấn sân tham gia đào tạo khối ngành sức khỏe với quy mô tuyển sinh lên đến hàng nghìn chỉ tiêu.

Mở ngành học mới, thu hút sinh viên là sân chơi công bằng cho tất cả các trường ĐH. Song theo GS, TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, việc nhiều trường không có kinh nghiệm, không có các ngành học gần với các ngành học sức khỏe lại mở ngành này là điều không ổn. Điều khiến GS, TS Phạm Tất Dong lo lắng nhất chính là chất lượng đào tạo. “Có sự trái chiều giữa các ngành học trong một trường thì làm sao anh đào tạo cho tốt được. Thầy đi dạy, đi khám theo kiểu liên kết thì chắc chắn không bằng họ làm chuyên ở một trường của họ. Nhiều người lo lắm, ngay cả đi khám bệnh bây giờ nhiều người còn phải hỏi bác sĩ được đào tạo ở đâu? Bác sĩ mà được đào tạo theo kiểu liên kết, kết hợp có khi họ không dám khám”, GS, TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

“Rất lo ngại khi lãnh đạo nhà trường không am hiểu về ngành y. Đào tạo y phải là trường đào tạo chuyên ngành mới bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, mật độ mở các ngành học sức khỏe tập trung vào các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh thì lấy đâu ra đội ngũ giáo viên, giáo sư, tiến sĩ đủ kinh nghiệm để giảng dạy? Hơn nữa, đào tạo nhiều quá có thể dẫn đến tình trạng không có bệnh viện để mà thực tập, thực hành”, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo lo lắng.

PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y học cổ truyền nêu quan điểm: “Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao ngày càng có nhiều trường ĐH lấn sân tham gia đào tạo các khối ngành sức khỏe? Phải chăng, nhiều trường mở ngành học về sức khỏe là do vấn đề kinh tế. Nhiều người đang nghĩ rằng, sinh viên ngành y - dược ra trường là dễ kiếm việc, thu nhập cao. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo ngành này thường cao cho nên các trường đi hướng này để phát triển kinh tế?”.
    
Điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe

Các yêu cầu, điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT cao hơn so các ngành khác. Theo đó, để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo.

Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp môn học giảng dạy. Cụ thể, ngành y đa khoa phải có ít nhất hai tiến sĩ khoa học y sinh, sáu tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành y học cổ truyền cần ít nhất hai tiến sĩ khoa học y sinh, ba tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Ngành răng - hàm - mặt được quy định có ít nhất hai tiến sĩ khoa học y sinh, hai tiến sĩ y học lâm sàng và ba tiến sĩ răng - hàm - mặt. Ngành y học dự phòng cần tối thiểu hai tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và bốn tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Thông tư 22 cũng nêu chi tiết điều kiện cơ sở vật chất đối với một số ngành thuộc nhóm sức khỏe. Các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, y học dự phòng, điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về sinh học và di truyền y học, lý sinh, hóa học, giải phẫu, mô phôi, sinh lý, hóa sinh, vi sinh - ký sinh trùng, giải phẫu bệnh...

Bên cạnh đó, khối ngành sức khỏe là khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.

Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.

Thủ tướng Chính phủ cũng mới ra quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Theo đó, thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục ĐH, nếu muốn được hành nghề khám, chữa bệnh phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.