Trông người mà ngẫm...

Theo thông tin từ truyền thông thể thao Thái-lan, giá trị bản quyền truyền hình (BQTH) giải bóng đá vô địch quốc gia Thai League trong vòng tám năm tới lên tới 13 tỷ baht (tương đương 400 triệu USD - khoảng gần 10.000 tỷ đồng), nghĩa là mỗi mùa giải Thai League sẽ nhận được 50 triệu USD tiền bán BQTH.

Mỗi mùa giải, V.League chỉ thu được số tiền rất ít ỏi từ bản quyền truyền hình. Ảnh: LÊ MINH
Mỗi mùa giải, V.League chỉ thu được số tiền rất ít ỏi từ bản quyền truyền hình. Ảnh: LÊ MINH

Khu vực Đông - Nam Á vốn được coi là “vùng trũng” của bóng đá thế giới, nên thông tin nói trên rõ ràng đã gây “sốc” đối với các nền bóng đá trong khu vực.

Theo số liệu thống kê, các đội bóng đang chơi tại Thai League chiếm đến bảy vị trí trong bảng xếp hạng 10 CLB đắt giá nhất khu vực Đông - Nam Á (ba vị trí còn lại gồm hai của Indonesia và một của Malaysia). Để có được thành công nói trên thì chỉ riêng công tác tổ chức của Thai League là chưa đủ. Những CLB ở giải đấu này đều có ý thức xây dựng hình ảnh và tích cực tương tác với người hâm mộ bóng đá. Hệ thống sân bãi, cơ sở hạ tầng của Thai League đều đạt chuẩn quốc tế. Các HLV và ngoại binh chất lượng cao cũng là một yếu tố làm tăng sức hấp dẫn cho giải.

Nói đến vấn đề ngoại binh, cần nhắc lại rằng cách đây gần hai thập kỷ, bóng đá Việt Nam từng chiêu mộ được những tuyển thủ quốc gia giỏi nhất của Thái-lan cho giải V.League. Đó là giai đoạn V.League được đánh giá là giải đấu hấp dẫn nhất Đông - Nam Á. Thế nhưng theo thời gian, chất lượng và uy tín của V.League dần giảm sút do các tệ nạn bán độ, bạo lực sân cỏ, sự yếu kém của công tác trọng tài. Bối cảnh ấy dĩ nhiên không thuyết phục được nhà tài trợ và hệ quả là năm 2017, nhà tài trợ lớn Toyota đã rút chân khỏi V.League, đồng thời chuyển sang tài trợ cho Thai League với giá trị hợp đồng lớn hơn năm lần so giải đấu ở Việt Nam.

Trên thực tế, giá trị BQTH không chỉ là câu chuyện tiền nong mà chính là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ chuyên nghiệp của giải bóng đá. Khi giải đấu V.League mỗi năm chỉ thu được vỏn vẹn vài tỷ đồng từ BQTH như hiện nay thì hẳn chúng ta chưa thể nói bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp hóa. Đó là điều mà các cơ quan quản lý bóng đá nước nhà cần suy ngẫm để tìm ra hướng đi cho giải bóng đá quốc gia.