Phong trào & chuyên nghiệp

Giả định rằng ngành thể thao quyết định tổ chức một giải bóng đá phong trào toàn quốc, nghĩa là các địa phương sẽ gom những cầu thủ tốt nhất mà mình có để tham gia giải đấu này, và đồng thời Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng sẽ cử đội tuyển quốc gia tham dự, e rằng sự phản đối sẽ đến ngay từ các lãnh đạo của thể thao Việt Nam chứ chưa nói đến dư luận.

Các cầu thủ chuyên nghiệp thường tránh các giải phong trào để giữ thể lực và tránh chấn thương. Ảnh: LÊ MINH
Các cầu thủ chuyên nghiệp thường tránh các giải phong trào để giữ thể lực và tránh chấn thương. Ảnh: LÊ MINH

Lý do là vì đội tuyển bóng đá quốc gia, ngoài việc là bộ mặt của nền bóng đá, còn là đội bóng chuyên nghiệp với trình độ chuyên môn quá khác biệt so những đội bóng phong trào. Cũng với lý do tương tự, các CLB bóng đá đang chơi tại V.League cũng chẳng dại cho đội bóng của mình tham gia giải phong trào, bởi đã không thu được ích lợi từ chuyên môn mà nguy cơ chấn thương khi phải thi đấu với các cầu thủ phong trào là rất lớn.

Đó là nói về bóng đá, còn ở những môn thể thao khác, ngành thể thao lại xử sự khác hẳn. Đơn cử như ở môn bơi lội, một mặt ngành tuyên bố khắp nơi rằng Nguyễn Thị Ánh Viên là tài năng lớn của thể thao Việt Nam mấy chục năm nay mới có, nhưng mặt khác VĐV này bị gọi tham gia đủ loại giải đấu, trong đó có cả giải phong trào là đại hội thể dục - thể thao (TDTT) toàn quốc. Ánh Viên là một trong số ít VĐV được đầu tư trọng điểm đặc biệt để nhắm tới những thành tích ở các đấu trường châu lục và Olympic, đồng nghĩa với việc cô là VĐV chuyên nghiệp.

Để có được sự cải thiện thành tích, những VĐV như Ánh Viên cần tham dự các giải đấu chuyên nghiệp có chất lượng chuyên môn cao thì mới ăn thua. Một trường hợp tương tự là VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm, tài năng bơi lội 17 tuổi vốn được coi là “tiểu Ánh Viên”. Phương Trâm không tham dự ASIAD 2018 vừa rồi nhưng được “cất” để tham gia đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 diễn ra vào cuối năm nay để “làm bước đệm lấy HCV SEA Games 2019 và giành chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020” (!).

Sử dụng VĐV chuyên nghiệp để tham gia giải phong trào thì rất dễ lấy huy chương, song tác hại thì không biết bao nhiêu mà kể, bởi VĐV đã phải chia sức cho vô số giải đấu lấy huy chương cho địa phương thì đôi lúc “hụt hơi” ở nơi chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu.