Nghĩ từ giải U23 châu Á

Kết quả bốc thăm VCK U23 châu Á 2020 đã khiến không ít người hâm mộ bóng đá nước nhà tạm thở phào nhẹ nhõm, bởi U23 Việt Nam được xếp vào bảng đấu tương đối “dễ thở”. Thế nhưng, nói như HLV Akira Nishino của U23 Thái-lan thì “rơi vào bảng nào cũng thế cả”, nếu vì bảng đấu nhẹ mà chúng ta lọt qua vòng bảng thì rồi trước sau cũng gặp các đội mạnh. Nếu muốn đi xa, U23 Việt Nam cần thi đấu với nỗ lực cao nhất để giành chiến thắng.

Nếu muốn đi xa, U23 Việt Nam cần thi đấu với nỗ lực cao nhất để giành chiến thắng.
Nếu muốn đi xa, U23 Việt Nam cần thi đấu với nỗ lực cao nhất để giành chiến thắng.

Mối quan tâm của mọi người tới tình hình đội U23 Việt Nam hiện nay có lẽ xuất phát từ câu chuyện gần hai năm trước, khi đội U23 Việt Nam có một hành trình kỳ diệu tại VCK U23 châu Á 2018. Lứa cầu thủ U23 ngày ấy như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu... giờ đây đã là những trụ cột của đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup 2022. Kỳ tích của U23 Việt Nam năm 2018 hẳn nhiên đã truyền cảm hứng cho người hâm mộ bóng đá nước nhà, và việc họ kỳ vọng lứa cầu thủ U23 hiện tại tái lập thành công ở Thường Châu là một tâm lý rất đỗi bình thường.

Vấn đề là ở chỗ, việc tái lập thành công, hay nói cách khác là giữ thành tích ổn định đòi hỏi phải có chiến lược phát triển với các mục tiêu có tầm nhìn khác nhau, từ cấp độ khu vực tới châu lục và thế giới. Đội tuyển U23 Việt Nam năm 2018 gồm các cầu thủ đại diện cho lứa cầu thủ trẻ hay nhất của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, nhưng lứa cầu thủ U23 hiện tại chưa có được chất lượng chuyên môn như lứa đàn anh. Họ không nằm trong một chiến lược phát triển bài bản, theo nghĩa được đầu tư, trong khi vẫn phải gánh vác mục tiêu thành tích khu vực, cụ thể là giải SEA Games.

Dĩ nhiên chúng ta hy vọng U23 Việt Nam sẽ tiến xa, song điều mong mỏi nhất là lứa cầu thủ ấy cũng như các lứa kế cận họ sẽ được đầu tư hướng tới các mục tiêu ở tầm châu lục và thế giới, thay vì chỉ tính tới những thành tích ngắn hạn và loay hoay mãi ở khu vực không thoát được ra.