Lãng phí thế đủ rồi!

Càng gần đến ngày khai mạc Đại hội BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ VIII, vấn đề nhân sự của đại hội càng “nóng” và như Thời Nay đề cập ở các số báo trước, thậm chí đã xảy ra mâu thuẫn giữa những thành viên ở cấp lãnh đạo VFF cũng như VPF (là đơn vị được VFF ủy quyền tổ chức điều hành các giải đấu trong nước).

Đã có nhà đầu tư bỏ V.League vì cách làm thiếu chuyên nghiệp của những người điều hành. Ảnh: LÊ KHIẾU MINH
Đã có nhà đầu tư bỏ V.League vì cách làm thiếu chuyên nghiệp của những người điều hành. Ảnh: LÊ KHIẾU MINH

Các mâu thuẫn được những thành viên công khai tiết lộ trên các phương tiện truyền thông, thể hiện sự mất đoàn kết trầm trọng trong nội bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý bóng đá. Vậy điều gì đang xảy ra?

Để lý giải bản chất của sự việc nói trên, xin bắt đầu bằng câu chuyện từ hơn 20 năm trước. Khi ấy, ngành thể thao lập đề án xin Chính phủ cho phép thí điểm chuyển môn bóng đá sang cơ chế chuyên nghiệp hóa nhằm tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa và giảm dần nguồn tiền ngân sách đầu tư cho bộ môn này. Suốt hơn hai thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam quả có kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư được mời vào bộ máy lãnh đạo của các cơ quan quản lý bóng đá như VFF, VPF. Tuy nhiên, quá trình chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp hóa được thực hiện nửa vời, thế nên việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa là không bền vững. Hậu quả là bóng đá vẫn không tự nuôi được mình, nguồn lực ngân sách rót vào bóng đá không hề giảm và hàng chục nghìn tỷ đồng từ vốn ngân sách lẫn vốn xã hội hóa dành cho bóng đá trong hơn hai thập kỷ vừa rồi coi như đã “ném qua cửa sổ”. Việc một số nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực bóng đá cho thấy sự thất vọng sâu sắc của họ với cách vận hành nền bóng đá như thế nào.

Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng phải từ sau năm 2010, các môn thể thao nằm trong nội dung thi đấu chính thức tại Olympic mới được đầu tư mạnh mẽ, và đó mới chính là bộ mặt của nền thể thao nước nhà chứ không phải là bóng đá. Sự ưu ái dành cho bóng đá là quá đủ và đã đến lúc bóng đá cần thực hiện lời hứa chuyên nghiệp hóa thay vì tiếp tục vận hành theo lối cũ, tiếp tục tiêu phí số tiền rất lớn của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa trong không biết bao nhiêu thập kỷ nữa.