Khi bóng đá đem lại niềm vui

Vòng đấu bảng của Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup) 2018 đã bước vào lượt trận cuối để xác định các đội bóng lọt vào vòng 1/8. Trên thực tế chỉ sau vài lượt trận, người ta cũng đã xác định được một số đội bóng phải ra về sau vòng đấu bảng.

Bạo lực sân cỏ, một trong những vấn nạn làm bóng đá Việt Nam xấu đi trong mắt người hâm mộ. Ảnh: LÊ MINH
Bạo lực sân cỏ, một trong những vấn nạn làm bóng đá Việt Nam xấu đi trong mắt người hâm mộ. Ảnh: LÊ MINH

Kết quả này phản ánh đúng trình độ nền bóng đá của các quốc gia và châu lục. Dù vậy, việc các đội bóng yếu có thể thi đấu sòng phẳng với những đội hạt giống là tín hiệu đáng mừng về chất lượng chuyên môn ở World Cup 2018, vốn là vấn đề được dự kiến là đáng lo ngại khi FIFA quyết định tăng số đội tham dự lên con số 32 đội.

Ở World Cup 2018, niềm vui sướng không chỉ được nhìn thấy ở những đội bóng giành chiến thắng. Nụ cười và tình cảm hạnh phúc vô biên còn được thể hiện cả ở những đội thua trận và khán giả của họ. Bị đội Anh dẫn tới sáu bàn, thế nhưng khi Panama gỡ được một bàn danh dự, cả đội bóng và khán giả ăn mừng như thể họ vừa đoạt cúp vô địch thế giới. Bóng đá sống được và trở thành môn thể thao hấp dẫn hàng tỷ người trên thế giới chính là vì những điều tưởng như nhỏ nhoi ấy. Khi bóng đá khiến khán giả vui buồn theo từng nhịp chân cầu thủ, nó mới có cơ hội phát triển một cách bền vững được.

Năm nay, cầu thủ Việt Nam không được xem đầy đủ các trận đấu của World Cup 2018 do giải V.League không tạm nghỉ như mọi kỳ World Cup trước đó. Tuy nhiên, mong là họ sẽ xem một số trận để chứng kiến bóng đá đem tới niềm vui và tác động tương hỗ giữa bóng đá với khán giả như thế nào. Bóng đá Việt Nam mới chỉ mang tên chuyên nghiệp chứ chưa thật sự vận hành theo cơ chế ấy và một trong những hạn chế lớn nhất của sự thiếu chuyên nghiệp chính là việc đánh giá thấp vai trò của khán giả. Không ít trận đấu tại các giải đấu trong nước bị thao túng bởi nạn dàn xếp tỷ số, hoặc trở nên xấu xí do bạo lực sân cỏ, do vấn nạn trọng tài... Những điều đó làm giải đấu mất dần khán giả và dĩ nhiên làm gì còn có niềm vui. Nếu muốn bóng đá thật sự phát triển, những người làm công tác quản lý hẳn không thể không chú trọng đến vấn đề này, bằng hành động cụ thể chứ không phải là những lời hứa trên giấy tờ trong suốt nhiều năm qua.