Hai mặt của tấm huy chương

Tại Gala trao thưởng của Liên đoàn Bóng đá Đông - Nam Á (AFF) diễn ra ở Indonesia hôm 23-9 vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã được trao giải Liên đoàn xuất sắc của năm nhờ tổ chức thành công các sự kiện quốc tế của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và AFF như Giải vô địch các CLB futsal châu Á, vòng loại nữ châu Á, vòng loại U23 châu Á, giải U19 châu Á.

Thỉnh thoảng lắm những cầu thủ trẻ như Minh Dĩ (giữa) mới có cơ hội cọ sát tại V.League. Ảnh: KHIẾU MINH
Thỉnh thoảng lắm những cầu thủ trẻ như Minh Dĩ (giữa) mới có cơ hội cọ sát tại V.League. Ảnh: KHIẾU MINH

Ngoài ra, một số đội trẻ Việt Nam cũng có thành tích ấn tượng như U20 giành vé tham dự giải vô địch thế giới World Cup 2017, U16 lọt vào tứ kết VCK châu Á và sự thành công của futsal Việt Nam khi lần đầu giành vé tham dự giải vô địch thế giới. Giải thưởng của AFF là sự đánh giá đúng mức những gì mà VFF đạt được trong năm.

Tuy nhiên, còn có những góc nhìn khác từ giải thưởng Liên đoàn xuất sắc của năm dành cho VFF. Trước tiên hãy nói về bóng đá trẻ. Sự thành công của U20 Việt Nam khi giành được suất tham dự chính thức tại World Cup U20 rõ ràng có sự hỗ trợ rất lớn từ VFF khi cơ quan quản lý ưu tiên đầu tư dài hơi cho lứa U17 từ năm 2015, đồng thời tạo điều kiện tối đa về lực lượng cho U20 khi thậm chí tạm dừng cả giải V.League. Thế nhưng dù đạt thành công thì U20 Việt Nam hiện tại và bóng đá trẻ nói chung từ trước tới nay đều rất khó phát triển để thăng hoa, bởi họ không được tạo điều kiện tốt ở V.League, đấu trường quan trọng nhất và là bệ phóng trong sự nghiệp của cầu thủ trẻ Việt Nam. Giải vô địch quốc gia V.League và hệ thống giải đấu trong nước nói chung còn nhiều bất cập. Nhìn số lượng đội bóng V.League (là hạng cao nhất) gấp đôi số đội ở giải hạng Nhất là đủ thấy bóng đá Việt Nam đang đi ngược lại quy trình của bóng đá chuyên nghiệp, chỉ quan tâm “phần ngọn” là chính. Chất lượng chuyên môn của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ. Cứ xem HLV tạm quyền Mai Đức Chung của ĐTQG than thở với giới truyền thông về nỗi lo trong trận lượt về gặp Campuchia vào ngày 10-10 tới đây (VCK Asian Cup 2019) là rõ ra nhiều điều, bởi trước đây bóng đá Việt Nam chưa bao giờ phải “tính toán” khi đối mặt những đội bóng ở trình độ thấp trong khu vực như Campuchia.

Chúng ta không phủ nhận đóng góp của VFF cho bóng đá Việt Nam, song hiển nhiên còn rất nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất vẫn là chuyển nền bóng đá sang cơ chế chuyên nghiệp thật sự để tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội hóa, đồng thời đưa bóng đá phát triển theo chiến lược đúng đắn và bền vững như mọi nền bóng đá phát triển khác. Chỉ khi hoàn thành những mục tiêu nói trên thì những tấm huy chương mới thật sự có ý nghĩa và lúc ấy VFF mới hoàn thành sứ mệnh được giao phó đối với nền bóng đá nước nhà.